Hoa giấy Thanh Tiên khoe sắc
Mỗi độ Tết đến Xuân về, làng hoa giấy Thanh Tiên, xã phú Mậu, thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) lại rộn ràng hơn để mang những sản phẩm hoa giấy độc đáo, đẹp mắt đến mọi nhà tô điểm thêm cho mùa Xuân.
Từ lâu, những cành hoa giấy Thanh Tiên đã gắn bó với đời sống tâm linh của người dân Cố đô Huế.
Nét đặc trưng của hoa giấy Thanh Tiên là ở chỗ tất cả công đoạn sản xuất đều hoàn toàn thủ công.
Hoa giấy nhìn bề ngoài tuy đơn giản nhưng mỗi bông hoa khác nhau lại chuyển tải những lý thuyết Nho học của người phương Đông.
Mỗi cành hoa giấy Thanh Tiên bao giờ cũng có 8 bông hoa, trong đó 3 bông hoa ở giữa tượng trưng cho Quân-Sư-Phụ cũng có thể là Thiên-Địa-Nhân hoặc Trung-Hiếu-Nghĩa, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín.
Theo tục xưa, hoa giấy được trang trí ở những nơi trang trọng như trang ông, trang bà và ông Táo.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề làm hoa giấy, ông Nguyễn Hóa, làng Thanh Tiên cho biết hoa giấy Thanh Tiên trở thành nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và vùng lân cận.
Các công đoạn để làm nên hoa giấy Thanh Tiên khá công phu và cầu kỳ. Sau khi cắt, dán tạo nên những loài hoa đẹp, nghệ nhân sẽ đính kết các loài hoa này tạo thành những cành hoa đầy màu sắc
Những cành hoa giấy thể hiện sự đoàn kết vi quý trong gia đình. Vì vậy, người làm hoa thường chọn những sắc màu như xanh dương, xanh lá, vàng, cam, đỏ để làm hoa, tránh màu buồn như màu tím, trắng.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người làng Thanh Tiên đã cải tiến mẫu mã, làm nhiều loại hoa, đặc biệt là khôi phục làm hoa sen giấy sau nhiều năm thất truyền.
Hoa sen giấy sử dụng vào nhiều mục đích như trang trí trong gia đình, lễ hội, sự kiện, cũng có thể đặt lên bàn thờ gia tiên. Hoa sen giấy có mặt trên thị trường trong nước và nước ngoài.
Xã Phú Mậu hiện có khoảng 20 hộ làm hoa giấy. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Mậu Nguyễn Văn Trai cho biết thời gian gần đây, hoa giấy Thanh Tiên nhận được nhiều đơn đặt hàng, các hộ dân rất phấn khởi khi có thêm việc làm. Đây cũng là động lực giúp người dân bảo tồn và phát triển làng nghề.
Địa phương tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tổ chức lớp đào tạo nghề làm hoa giấy.
Làng hương Thủy Xuân vào Xuân
Thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên vào dịp lễ, Tết từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người Việt Nam.
Hoạt động này như chiếc cầu nối gửi gắm tâm tư, tình cảm và cả ước nguyện của những người còn sống với người đã khuất.
Bởi vậy người làm hương luôn tâm niệm, làm hương không chỉ mang lại nguồn thu nhập mà còn mang giá trị truyền thống tâm linh tốt đẹp.
Những bó “hoa” hương bung xòe với nhiều màu sắc rực rỡ thu hút du khách thập phương
Những người làm hương truyền thống nổi tiếng nhất ở miền Trung là Thủy Xuân (Thừa Thiên-Huế) và Quán Hương (Quảng Nam) luôn có tâm niệm như vậy để gìn giữ nghề đến ngày hôm nay.
Nằm dưới chân đồi Vọng Cảnh, làng hương Thủy Xuân nổi tiếng bậc nhất trong nghề làm hương bao đời nay ở cố đô Huế.
Nghề làm hương có mùa vụ quanh năm nhưng vào dịp Tết cổ truyền không khí làm việc ở làng nghề trở nên khẩn trương hơn.
Theo các cụ cao niên, làng hương Thủy Xuân có từ thời nhà Nguyễn. Người dân gắn bó, lưu truyền và phát triển nghề không chỉ vì kế sinh nhai mà còn bằng niềm say mê, trân quý nghề truyền thống của ông cha để lại.
Làng hương Thủy Xuân cung cấp ra thị trường nhiều loại hương khác nhau như hương quế, hương sả, hương nhài, hương vòng, nụ trầm nhưng hương trầm là loại hương tạo nên tên tuổi cho làng nghề này.
Hương trầm Thủy Xuân có mùi thơm xa, khi đốt có mùi dịu nhẹ rất đặc trưng của xứ Huế không nơi nào có được.
Mỗi cây hương trầm có ba phần chính gồm tăm hương, bột trầm và chất keo. Tăm hương là phần lõi được vót từ ruột tre già sau đó mang nhúng vào phẩm màu để tạo chân hương.
Người dân Thủy Xuân đã phát triển làng nghề truyền thống trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Cả dãy phố Huyền Trân Công Chúa tràn ngập sắc màu rực rỡ của hương.
Để có màu sắc tươi tắn cho chân hương, người thợ hòa lượng bột màu thích hợp trong nước nóng rồi nhúng chân hương qua vài lần, sau đó đem phơi khô nhiều ngày nữa. Chất keo được tạo thành từ vỏ cây bời lời.
Sau đó các thành phần được đem trộn đều với nước sao cho hỗn hợp bột đạt độ “dẻo quánh” là có thể bắt đầu công đoạn se hương.
Se hương là một trong những công đoạn khó nhất trong quy trình làm hương và quyết định đến tính thẩm mỹ của sản phẩm.
Khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để bột bám đều vào que hương.
Hương sau khi se xong phải phơi đủ nắng mới không bị mốc, để được lâu.
Bà Tôn Nữ Anh Tuyết, 73 tuổi, làng Thủy Xuân, cho biết người làm hương Thủy Xuân vẫn lưu giữ cách làm hương thủ công truyền thống để lưu giữ nét truyền thống và nghệ thuật làm hương, bởi đây là cách làm hương độc đáo, được khách du lịch yêu thích.