Ông Huỳnh Văn Khanh ở xã Giang Hải trước đây là hộ khó khăn của địa phương. Từ sự hỗ trợ, động viên của HND tạo động lực cho ông Khanh nỗ lực, tìm tòi, mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế mới, hiệu quả. Đáng kể đến là mô hình trồng cây hoa súng cảnh với diện tích 4ha, mỗi tháng cung cấp ra thị trường 40 ngàn cây. Tổng doanh thu từ trồng và bán cây hoa súng mỗi năm 4-5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận 1-1,5 tỷ đồng/năm. Mô hình trồng hoa súng của ông Khanh còn giải quyết việc làm cho 10 nông dân thường xuyên và 5 lao động thời vụ, với mức thu nhập mỗi tháng từ 6-10 triệu đồng/người.
Từ hỗ trợ nguồn vốn ít ỏi ban đầu, sự động viên, khích lệ của HND, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Phú Lộc mạnh dạn khai hoang, mua đất trồng rừng keo tràm. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu nhờ bán gỗ rừng trồng. Ông Nguyễn Văn Tùy ở xã Lộc Bổn với mô hình nông, lâm nghiệp cho thu nhập 1,750 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ như Nguyễn Thị Ba, Hồ Đa Thê ở Lộc Bổn, Trần Tuất ở Lộc Tiến, Văn Viết Nguyên ở Giang Hải, Nguyễn Lộc ở Vinh Mỹ và nhiều tấm gương nông dân vượt khó làm giàu từ sự hỗ trợ của HND các cấp.
Bằng nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, hay thông qua tín chấp của HND các cấp và được sự hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn của HND, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Phú Lộc có điều kiện tận dụng, khai thác và phát huy tiềm năng của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng trở lên mỗi năm.
Mô hình phát triển vùng nguyên liệu và tinh chế dầu tràm tại xã Lộc Thủy có 20 hộ vay 1 tỷ đồng để mở rộng diện tích, đầu tư lò chưng cất đem lại thu nhập ổn định và đăng ký nhãn hiệu tập thể. Đến nay, mô hình đã lan tỏa, mở rộng gần 60ha tràm nguyên liệu. Mô hình nuôi cá chình thương phẩm tại xã Vinh Mỹ có 10 hộ vay với 500 triệu đồng để phát triển sản xuất, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Thông qua mô hình đã giúp nhân rộng trên địa bàn xã với 62 hộ tham gia, diện tích nuôi mở rộng với 1,8ha. Mô hình nuôi cá lóc đầu nhím cho 7 hộ vay 400 triệu đồng. Đến nay, mô hình đã nhân rộng 1,6ha/35 hộ nuôi. Mô hình nuôi cá lồng nước lợ xen ghép ở Vinh Hiền có 20 hộ vay với 600 triệu đồng.
Cùng với chính sách khuyến khích nuôi cá lồng của chính quyền địa phương, HND giúp hội viên nông dân nhân rộng mô hình nuôi cá lồng với 387 hộ nuôi, 1.600 lồng. Mô hình trồng cau cao sản tại Xuân Lộc với 10 hộ vay 300 triệu đồng. Đến nay, mô hình đã nhân rộng 23ha với 97 hộ trồng. Mô hình nuôi xen ghép ở Giang Hải với 10 hộ vay 300 triệu đồng. Mô hình đến nay phát triển lên 70ha với 300 hộ nuôi, thu nhập bình quân 50-70 triệu đồng/hộ.
Bà Đặng Hoàng Ái Thụy, HUV, Chủ tịch HND huyện Phú Lộc thông tin, xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trong nông nghiệp luôn được các cấp HND quan tâm. Các mô hình từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
Bà Thụy cho rằng, kinh tế tập thể là kênh huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa có quy mô; tăng cường đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Nhiệm kỳ qua, HND huyện linh hoạt, khuyến khích các hộ nông dân liên kết thành các tổ hội, tổ hợp tác, HTX. Cùng với các cơ quan chuyên môn, tổ chức HND cơ sở tham gia chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2022; vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng các mối quan hệ hợp tác để giúp đỡ lẫn nhau. Đến nay, đã có 52/52 HTX chuyển đổi theo luật.
HND huyện Phú Lộc hướng dẫn xây dựng 17 tổ hợp tác, 4 HTX trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng và hoạt động dịch vụ khác. Mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp bước đầu có hiệu quả. Thông qua hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp, hội viên đã liên kết với nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, tạo tiền đề thành lập các tổ hợp tác, HTX, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Nhiệm kỳ 2023-2028, HND các cấp sẽ cùng với các ban ngành, địa phương hỗ trợ hội viên, nông dân hướng đến mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và hữu cơ. Hiện nông dân đang tiếp tục thực hiện 3 mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng ở Vinh Hưng và Lộc An theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 3.500m2/cơ sở, sản lượng ước đạt 160tấn/năm; hai cơ sở chăn nuôi công nghệ cao. Đã và đang thực hịên sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại HTX Mỹ Hải với diện tích 7ha lạc, làm 2 vụ/năm, năng suất ổn định 20-22 tạ/ha/vụ, đã được chứng nhận sản phẩm hữu cơ, có nhãn hiệu của sản phẩm; sản xuất rau hữu cơ tại Vinh Mỹ, đến nay có 5,5ha các loại (ném, hành lá, cải, xà lách, rau dền, ớt, cà chua, dưa các loại…), sản lượng trên 200 tấn/năm.