Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện A Lưới, toàn huyện có 8,2ha sâm Bố Chính. Trong đó, diện tích hợp tác với Công ty TNHH SBC Hoàng Gia (gọi tắt Công ty Hoàng Gia) là 3,3ha của 25 hộ dân theo hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 2,3ha sâm bị chết, một số diện tích bị mất trắng hoàn toàn. Trong khi đó, khoảng 1ha còn lại, cây sâm tiếp tục chết dù đã dùng các chế phẩm, nhưng công tác phòng trừ bệnh không hiệu quả. Việc cây sâm chết hàng loạt, chưa tìm được thuốc đặc trị khiến người dân rơi vào cảnh khó khăn.
Ông Hồ Văn Ngực (Quảng Nhâm, A Lưới), một hộ tham gia trồng sâm Bố Chính cho biết, vụ sâm năm 2023 bắt đầu xuống giống từ cuối tháng 2 trên diện tích 2.000m2. Để triển khai vụ từ đầu năm, gia đình đã bỏ ra chi phí 20 triệu đồng thuê máy móc làm đất, nhân công trồng. Được tham khảo, hướng dẫn kỹ thuật, vườn sâm tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc của công ty nên thời gian đầu cây sâm phát triển nhanh.
Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 sau khi cây ra hoa thì xuất hiện bệnh rải rác với biểu hiện héo lá, thối củ và chết dần. Ngay sau đó, công ty đã phối hợp với HTX DVNN Quảng Nhâm kiểm tra và triển khai một số chế phẩm sinh học, hướng dẫn cách phòng trừ, nhưng không hiệu quả.
“Hiện vườn sâm gia đình gần như đã chết hết, thiệt hại rất lớn. Người trồng mong muốn công ty thực hiện đúng cam kết chia sẻ rủi ro như trong hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã ký kết. Đây cũng là rủi ro trong nông nghiệp, do vậy cần sự chia sẻ hỗ trợ của công ty cũng như sau mùa vụ này bà con cần rút kinh nghiệm trong khâu làm đất, thời vụ xuống giống, cần có quy trình chuẩn để sản xuất cây sâm Bố Chính này”, ông Hồ Văn Ngực chia sẻ.
Ông Nguyễn Hải Teo, Giám đốc HTX DVNN Quảng Nhâm thông tin, mới đây lãnh đạo Phòng NN&PTNT, Trung tâm DVNN huyện A Lưới, UBND xã Quảng Nhâm và HTX DVNN Quảng Nhâm đã có buổi kiểm tra, nắm tình hình sinh trưởng, phát triển và dịch bệnh cây sâm Bố Chính tại 9 vườn trên địa bàn.
Cây sâm Bố Chính ở Quảng Nhâm nhiễm bệnh và tiếp tục chết
Kết quả kiểm tra cho thấy, tỷ lệ cây sâm bị bệnh rất cao, cây khỏe rất ít và đang tiếp tục bị nhiễm bệnh dần. Tình hình thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh chưa được xử lý triệt để, cây sâm đã bị chết trên diện rộng và nguy cơ mất trắng hoàn toàn.
Trên cơ sở kiểm tra, HTX DVNN Quảng Nhâm đề xuất công ty phối hợp với các ban, ngành liên quan, tìm giải pháp cứu chữa đối với diện tích sâm còn lại. Những vườn sâm bị bệnh tỷ lệ từ 70% trở lên, công ty cần có phương án cho thu hoạch gấp hoặc cho phép người trồng tự tìm đầu ra. Đối với những diện tích còn lại, đề nghị công ty sớm có phương án thu hoạch giúp bà con trong thời gian sớm nhất.
Theo tìm hiểu của PV, trong hợp đồng liên kết tiêu thụ cây dược liệu sâm Bố Chính năm 2023 ký kết giữa Công ty Hoàng Gia với các hộ nông dân huyện A Lưới tham gia trồng cây sâm Bố Chính, trong điều khoản chia sẻ rủi ro bất khả kháng và biến động giá cả thị trường, có ghi rõ: Trường hợp phát hiện hoặc có dấu hiệu bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh) thì mỗi bên phải thông báo kịp thời cho nhau để cùng bàn cách khắc phục và khẩn trương cố gắng phòng tránh, khắc phục hậu quả của bất khả kháng.
Khi trường hợp bất khả kháng xảy ra, hai bên phải tiến hành theo đúng các thủ tục quy định của pháp luật, lập biên bản về tổn thất của hai bên, có xác nhận của UBND xã (huyện) nơi xảy ra bất khả kháng để được miễn trách nhiệm khi thanh lý hợp đồng. Bên Công ty Hoàng Gia chia sẻ rủi ro 50% giá trị đầu tư trước cho các hộ dân theo sự thỏa thuận của hai bên.
Bà Hồ Nhật Phương, Giám đốc Công ty Hoàng Gia cho biết, hiện công ty đã mời chuyên gia, nhà khoa học tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý. Công ty cũng đã cung cấp chế phẩm sinh học lên cho bà con trị bệnh ở cây sâm. Hiện chế phẩm trên dự kiến sẽ được giao cho bà con tại A Lưới vào đầu tháng 8 tới. Đây là sự cố rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, mong bà con chia sẻ.
Từ các cuộc họp với các bên liên quan, công ty thống nhất đối với diện tích sâm bị đang bị bệnh, chết nhiều (trên 70%) và chưa tìm ra thuốc đặc trị, bà con thu hoạch, sơ chế, phơi sấy khô, công ty sẽ tìm đối tác tiêu thu sâm non (có thể làm thức ăn cho gia súc). Hoặc trong trường hợp không bán được cho đối tác sẽ chuyển về trụ sở công ty.
Đối với diện tích sâm còn lại, bà con thu hoạch sau đó rửa sâm với nguồn nước sạch để ráo nước, sâm không bị thối, chuyển về công ty sẽ thu mua với giá cả phù hợp.
Ngoài ra, bà con được phép bán cho người ngoài với điều kiện phải thông tin rõ đúng tuổi của cây sâm để tránh bị hiểu nhầm về chất lượng, gây ảnh hưởng thương hiệu sâm tại A Lưới về sau.
“Đối với các vườn sâm còn lại, công ty đang kết nối với nhiều chuyên gia để mong tìm được thuốc đặc trị và giữ vườn cây cho đến ngày đủ tuổi thu hoạch để cây sâm tại A Lưới vẫn đạt được dược tính và dưỡng chất cao, nổi trội so với các vườn sâm ở các địa phương khác. Trong trường hợp bệnh cây sâm vẫn “vô phương cứu chữa” thì công ty sẽ có phương án lấy mẫu sâm tươi đi kiểm tra và cho thu hoạch sớm để giảm thiệt hại tối đa cho người trồng”, bà Phương khẳng định.
Từ năm 2021, UBND huyện A Lưới giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Quảng Nhâm triển khai mô hình thí điểm trồng cây sâm Bố Chính trên địa bàn với diện tích 2ha theo hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH SBC Hoàng Gia. Từ đó đến nay diện tích trồng sâm Bố Chính toàn huyện đã tăng lên 8,2 ha, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho nông dân, giải quyết được nhiều lao động tại địa phương