Với mục tiêu “không để HSSV bỏ học do khó khăn về tài chính”, hằng năm, trước thềm năm học mới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã tăng cường công tác phối hợp với các Hội, đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về chương trình tín dụng đối với HSSV. Bên cạnh đó, PGD NHCSXH huyện cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở địa phương để tuyên truyền đến từng hộ gia đình nắm bắt thông tin, thống kê số lượng HSSV có nhu cầu để hướng dẫn thủ tục vay vốn, giải ngân nguồn vốn kịp thời, giảm bớt khó khăn cho phụ huynh trong việc trang trải chi phí sinh hoạt và học tập của các em.
Thôn Phú Lộc, xã Phong Chương, là một trong những địa phương nghèo của huyện Phong Điền. Số hộ nghèo của thôn đến 15 hộ/30 khẩu, với điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp và ngư nghiệp… nên kinh tế rất bấp bênh. Gia đình chị Lê Thị Thu Hà khi nhận giấy báo trúng tuyển đại học của con thì lần nào cũng vậy, chị vừa mừng lại vừa lo, vì với nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào những vụ lúa chỉ đủ sống qua ngày, chị chưa biết xoay xở tiền đâu để các con tiếp tục được đến trường. Giữa lúc khó khăn, chị được các Hội, đoàn thể cấp xã giới thiệu tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với HSSV của NHCSXH, chị được xét duyệt cho vay 85 triệu đồng để trang trải chi phí học tập cho đứa con đầu của chị trúng tuyển vào Đại học Bách Khoa, học đến năm thứ 3 thì các cháu còn lại tiếp tục thi đỗ vào trường ĐH Kinh Tế và được NHCSXH huyện tiếp tục giải ngân vốn thêm 100 triệu đồng, nâng tổng số dư nợ của gia đình lên 185 triệu đồng. Chị Hà chia sẻ: Nguồn vốn tín dụng HSSV đã “tiếp sức” cho gia đình tôi và những con tôi vượt qua khó khăn, có tiền đóng học phí hằng năm nên các con không phải bỏ học giữa chừng. Hiện tại, cháu Phú con tôi vừa mới ra trường và đã có việc làm ổn định tại TP. Đà Nẵng. Gia đình chị Giáp Thị Thanh Kim Huệ ở thôn Cổ Bi 2, xã Phong Sơn cũng không khác gia đình chị Hà là mấy, bên mái hiên nhà cũ kỹ, chị Huệ tâm sự: “Bản thân là phụ nữ không may bị lầm đường lạc lối, gia đình tôi rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn, thu nhập chính của gia đình cũng chỉ từ nghề rừng và bốc vác gỗ, con lại đông nhưng lại rất hiếu học, 01 đứa thi đỗ vào trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, 01 đứa học tại TP HCM và 01 đứa học tại trường ĐH Kinh Tế Đà Nẵng… nếu gia đình không được các Hội, đoàn thể tín chấp, không được Chính quyền địa phương quan tâm và không được NHCSXH huyện giúp đỡ cho gia đình tôi vay 100 triệu đồng thì gia đình tôi không biết lấy gì để con cái tiếp tục học hành. Chị Huệ cũng chia sẽ thêm, hiện tại đứa đầu đã ra trường đã có việc làm ổn định ở TP HCM với thu nhập khá, cháu đã có tích luỹ để phụ giúp gia đình và góp phần giúp cho các em tiếp tục con đường học hành”.
Ông Trương Công Huy, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Phong Điền cho biết: Đến nay, PGD NHCSXH huyện đã giải ngân với số tiền gần 23 tỷ đồng cho hơn 700 HSSV vay vốn. Với mức vay tối đa hiện nay là 40 triệu đồng/HSSV/năm học, lãi suất 6,6%/năm, thời hạn vay khá dài… đã góp phần không nhỏ để chấp cánh cho những hộ gia đình có HSSV đang theo học tại các trường Đại học và Trung học chuyên nghiệp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục đến trường. Theo thông tin từ nhiều hộ, với tính ưu đãi của chương trình đã góp phần không nhỏ trong việc trang trải chi phí học tập, giúp các em mua sắm thêm trang thiết bị học hành… và điều đặc biệt là sau khi ra trường các em đều đã có công việc ổn định để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng, phụ giúp gia đình và có tích luỹ. Hai trường hợp đã nêu trên là một minh chứng về tính hiệu quả của chương trình. Trong thời gian tới, PGD NHCSXH huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, tuyên truyền để tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ cho nhiều hộ gia đình HSSV có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt gánh nặng về chi phí học tập và chấp cánh cho những ước mơ đến trường của các em./.
Em Nguyễn Thị Vũ Bảo Nhi ở thôn Phú Lộc, xã Phong Chương, huyện Phong Điền bên góc học tập của mình để thực hiện cho bao ước mơ, dự định.