Sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, Ban đại diện Hội đồng quản trị và NHCSXH thị xã đã đạt được những mục tiêu đặt ra đó là: tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại; huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Thị ủy, HĐND, UBND thị xã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Thành tựu của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam.
Đến 31/12/2023 tổng dư nợ thực hiện tại NHCSXH thị xã là 417.065 triệu đồng, tăng 51.652 triệu đồng, tăng 14,2% so với năm 2022. Trong đó, dư nợ nguồn vốn trung ương là 390.556 triệu đồng, tăng 45.995 triệu đồng, tăng 13,4% so với đầu năm; dư nợ nguồn vốn địa phương là 26.509 triệu đồng, tăng 5.657 triệu đồng, tăng 27,4% so với đầu năm, với 7.790 khách hàng đang vay vốn, dư nợ bình quân là 53,5 triệu đồng/khách hàng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các thôn, tổ dân phố tại các xã, phường trên địa bàn thị xã, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, trong năm 2023, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 1.200 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, thu hút tạo việc làm cho trên 2.000 lao động, giúp cho 200 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ được một phần nhu cầu về nhà ở của người dân trên địa bàn thị xã cho hơn 40 khách hàng vay vốn chương trình Nhà ở xã hội, hỗ trợ xây mới và cải tạo 600 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn.
Đặc biệt, trong năm 2023, xác định công tác đưa lao động sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng là việc làm cần thiết nhằm giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh TT Huế, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt đến các sở ngành, địa phương để thúc đẩy đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giao nhiệm vụ cho NHCSXH tỉnh: Hướng dẫn, hỗ trợ người lao động hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục vay vốn và kịp thời giải ngân nguồn vốn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thu hồi nợ, xử lý nợ vay đảm bảo quy định.
Để chung tay cùng UBND thị xã thực hiện các mục tiêu về kinh tế xã hội trên địa bàn, bám sát kế hoạch của UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác đưa lao động sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận thông tin liên quan đến xuất khẩu lao động (XKLĐ), Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hương Thủy đã tích cực triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền về chế độ, chính sách vay vốn XKLĐ theo quy định của NHCSXH đối với nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương do UBND tỉnh chuyển sang để cho vay hỗ trợ người lao động thanh toán các khoản chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Trong năm 2023, NHCSXH thị xã đã hỗ trợ cho vay 60 khách hàng vay vốn đi XKLĐ với số tiền gần 5.000 triệu đồng, chủ yếu là từ nguồn vốn ủy thác địa phương tỉnh chuyển về, dư nợ chương trình cho vay XKLĐ đến 31/12/2023 là 6.462 triệu đồng với 110 khách hàng vay vốn.
Nguồn vốn cho vay XKLĐ đã áp ứng kịp thời nhu cầu của người lao động, giúp trang trải các khoản chi phí trước khi đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. Phần lớn đối tượng tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi này là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, công việc làm ăn tại địa phương không ổn định, thu nhập không trang trải được các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Đến nay nhiều lao động đã xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài (chủ yếu là thị trường lao động Nhật Bản), đã có việc làm ổn định, đúng theo ngành nghề đăng ký ban đầu, thu nhập ổn định bình quân từ 25-30 triệu đồng/tháng/lao động. Nhiều lao động đã chuyển tiền về cho gia đình thanh toán các khoản nợ vay và cải thiện cuộc sống gia đình.
Để tiếp tục thực hiện công tác cho vay XKLĐ có hiệu quả, thời gian tới Ngân hàng CSXH thị xã Hương Thuỷ tập trung các nhiệm vụ cụ thể như: Tham mưu cho Trưởng BĐD HĐQT NHCS thị xã chỉ đạo các Ban, nghành, đoàn thể, UBND xã, phường tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác XKLĐ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ và phòng tránh thiệt hại cho người lao động; phối hợp với các xã, phường về công tác cho vay XKLĐ giúp người lao động nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước;
Ông Châu Đình Ngữ - Giám đốc Ngân hàng CSXH thị xã Hương Thủy cho biết; “NHCSXH thị xã Hương Thủy luôn chú trọng giải quyết kịp thời các thủ tục hỗ trợ vay vốn XKLĐ để người dân mạnh dạn đăng ký tham gia, từ đó hạn chế được tình trạng gia đình người lao động phải vay nóng bên ngoài để có đủ chi phí xuất cảnh”.
Có thể nói XKLĐ hiện nay đang được coi là hướng đi đúng đắn, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã. Đặc biệt, những lao động này, sau khi trở về sẽ là nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề và trở thành những nhân tố tích cực trong đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ở trên chính mảnh đất quê hương Hương Thủy./.