Góp phần đưa nguồn vốn tín dụng vươn xa
Năm 2022 trong khi đang loay hoay tìm kiếm vốn đầu tư mở rộng chăn nuôi, bà Tôn Nữ Thị Thanh Phương, tổ dân phố 7, phường Thủy Lương biết về các chương trình tín dụng chính sách. Sau khi tìm hiểu chính sách cho vay, bà Phương được cán bộ Hội Nông dân phường Thủy Lương giới thiệu, hướng dẫn thủ tục vay vốn giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hương Thủy. Sau khi chính quyền rà soát đảm bảo đúng đối tượng vay vốn, nhu cầu vay vốn đảm bảo theo nội dung chương trình, bà Phương được NHCSXH cho vay với số vốn 80 triệu đồng đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại và mua con giống. Nhờ đó kinh tế gia đình được cải thiện đáng kể với thu nhập mỗi năm hơn 150 triệu đồng.
Không chỉ đảm bảo bình xét đúng đối tượng thụ hưởng, các tổ hội, chính quyền địa phương còn tham gia giám sát quá trình sử dụng nguồn vốn của từng hộ vay đảm bảo người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích. Đồng thời, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn. Đặc biệt, các hộ có khó khăn phát sinh được chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Hương Thủy đặc biệt quan tâm động viên. Nhờ đó, chất lượng tín dụng trên địa bàn luôn đạt mức cao.
Ông Nguyễn Minh Công, Chủ tịch UBND phường Thủy Lương chia sẻ, trong những năm qua, ngoài tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cho hoạt động của NHCSXH định kỳ hàng tháng tại điểm giao dịch xã, bố trí lực lượng bảo vệ an toàn về tài sản và con người tại điểm giao dịch xã, UBND phường còn chỉ đạo các hội đoàn thể, các thôn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH thị xã quan tâm, bình xét cho các hộ vay vốn có nhu cầu được tiếp tục tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo quy định. Nhờ đó, nguồn vốn vay ưu đãi được chuyển tải đến hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện trên địa bàn.
Không riêng gì Thủy Lương, trên địa bàn thị xã Hương Thủy có rất nhiều mô hình làm ăn hiệu quả nhờ sự “trợ lực” từ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Thêm vốn, thêm nguồn lực
Ngoài ra, việc chủ tịch UBND các xã, phường được bố trí làm thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thị xã cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở, đẩy mạnh sự giám sát trong việc rà soát, bình xét cho vay. Nhờ đó, hoạt động của NHCSXH thị xã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên.
Ngoài quan tâm hỗ trợ chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân theo tinh thần Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, thị xã Hương Thủy còn ưu tiên bố trí một phần ngân sách chuyển sang NHCSXH thị xã để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đến nay, nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH thị xã để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn hơn 10 tỷ đồng. Đặc biệt trong năm 2021, UBND thị xã ủy thác sang NHCSXH thị xã 5,2 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn. Như vậy, tính đến cuối tháng 2/2024, tổng dư nợ trên địa bàn đạt 424,12 tỷ đồng với 7.802 khách hàng vay vốn; nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,02% tổng dư nợ. Toàn thị xã có 7/10 đơn vị không còn nợ quá hạn; chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng đi lên.
Ông Châu Đình Ngữ, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Hương Thủy khẳng định, hiệu lực của Chỉ thị 40 thể hiện rõ trong hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách. Vai trò và sự tham gia chỉ đạo của chính quyền các cấp, các hội đoàn thể, các tổ… không chỉ tăng khả năng tiếp cận tín dụng mà còn tăng thêm nguồn lực giúp người dân nâng cao đời sống.
Tại thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 40, thị xã Hương Thủy có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 4,07%, hộ cận nghèo 4,5%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,64%, hộ cận nghèo giảm còn 1,59%. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các thôn, tổ dân phố tại các xã, phường trên địa bàn thị xã, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.