Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 20/9/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 07/12/2016 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 13/3/2017 của UBND tỉnh về truyền thông, thông tin tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020, Công văn 5301/UBND-NN ngày 26/7/2017 của UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020,…; tăng cường tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới theo lĩnh vực của từng đơn vị được phân công phụ trách.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu xây dựng đề án “Mỗi xã mỗi sản phẩm” và kế hoạch tổ chức thực hiện sau khi đề án được phê duyệt; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Bộ tiêu chí nâng cao đối với các xã đã đạt chuẩn, nhất là các tiêu chí về nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn; xây dựng thí điểm mô hình khu dân cư kiểu mẫu để tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai cơ chế chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương tham mưu UBND tỉnh danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới theo Nghị định số 161/QĐ-TTg ngày 02/12/2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng phương án lồng ghép các nguồn vốn (bao gồm nguồn vốn ngân sách tỉnh) để bảo đảm mục tiêu kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và theo tiến độ hàng năm, bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương trong thực hiện Chương trình theo quy định hiện hành; theo dõi đôn đốc các đơn vị, địa phương thanh toán nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, nhất là các địa phương có nợ đọng lớn.
Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh tăng cường bố trí nguồn vốn sự nghiệp tỉnh tham gia Chương trình để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; hướng dẫn thanh quyết toán vốn đầu tư theo cơ chế đặc thù; hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp Chương trình nông thôn mới theo Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính.
Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh tham mưu UBND tỉnh đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tham gia xây dựng nông thôn mới theo hướng mỗi đơn vị chịu trách nhiệm về nội dung, tiêu chí cụ thể; phân công cụ thể các ngành trực tiếp giúp đỡ cho các xã; chủ trì, phối hợp với các UBND các huyện, thị xã, xã rà soát, lựa chọn và đề xuất nhu cầu đầu tư hàng năm các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để giúp các địa phương đăng ký đạt chuẩn hàng năm về đích đúng kế hoạch, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tham mưu, điều phối chương trình; tổ chức theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị địa phương thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới hàng năm, hàng quý, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để có chỉ đạo kịp thời.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và khả năng huy động nguồn lực. Quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới phải gắn với sản xuất, quy hoạch khu dân cư và phù hợp với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; bảo đảm người dân phải tham gia nội dung này.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực môi trường, nhất là các hoạt động thu gom, tái chế và xử lý chất thải; tổ chức phát động ngày vệ sinh môi trường ở nông thôn để nâng cao ý thức cho người dân, gắn với hưởng ứng “Cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế không rác thải”; chỉ đạo các huyện, thị xã triển khai thực hiện thí điểm việc phân loại rác thải nông thôn theo nguồn, tạo thói quen tốt cho người dân.
Các sở: Công Thương, Xây dựng , Y tế, Văn hóa và Thể thao theo chức năng nhiệm vụ, chủ trì nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách linh hoạt trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng các thiết chế ở nông thôn như: Chợ liên xã, nghĩa trang liên xã, trạm xá liên xã, nhà văn hóa liên xã, liên thôn... để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư, phát huy hiệu quả các thiết chế nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch vận động các doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho người dân; từ sản xuất đến chế biến, sử dụng.
UBND các huyện, thị xã tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, tập trung chỉ đạo khắc phục các tồn tại, hạn chế, tăng cường huy động và bố trí các nguồn lực để giữ vững và nâng chất lượng tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn và hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu Chương trình đã đề ra của giai đoạn 2016-2020 và theo lộ trình từng năm; giao nhiệm vụ cho các đoàn thể chính trị cấp huyện, thị xã tham gia xây dựng nông thôn mới theo hướng mỗi đoàn thể được giao và chịu trách nhiệm về nội dung, tiêu chí cụ thể gắn với địa bàn được phân công phụ trách; tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới đặc biệt là tại các địa phương có số nợ đọng cao và các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường giám sát, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lựa chọn những nội dung thiết thực để phối hợp vận động, khích lệ, động viên các tổ chức, cá nhân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng đến công tác giám sát việc bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn.