Cùng với đoàn khảo sát của Thị đoàn Hương Trà và NHCSXH thị xã Hương Trà, chúng tôi đến thăm một số mô hình phát triển kinh tế có nhu cầu cần tiếp cận thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất tại các xã khu vực miền núi Hương Trà.
Cách đường chính hơn 3km, chúng tôi phải đi nhờ xe máy của bà con địa phương men theo con đường rừng với địa hình hiểm trở vào thăm mô hình của anh Nguyễn Quốc Triều, xã Bình Tiến. Mô hình sản xuất trên khu vực đồi rộng hơn 5 ha, gia đình anh đã tận dụng các diện tích có độ dốc ít, gần nguồn nước để đầu tư gần 3 ha các loại cây ăn quả như: cam, thanh trà, bưởi, sầu riêng, ổi; ao hồ nuôi cá và nuôi bò sinh sản.
Với sự đa dạng các loại cây ăn trái, dự kiến những năm tới thu nhập của gia đình có thể đạt gần 300 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Quốc Triều bộc bạch, trước đây gia đình có vay vốn của NHCSXH để đầu tư phát triển kinh tế, đến nay đã trả được một phần vốn. Hiện, gia đình đang có nhu cầu bổ sung vốn để đầu tư chăm sóc, đầu tư hệ thống phun tự động, giảm bớt chi phí nhân công nhưng nếu vay vốn thương mại thì rất khó vì phải thế chấp tài sản, chi phí lãi vay cao hơn. Do đó, gia đình cần thêm nguồn vốn từ NHCSXH để thuận lợi đầu tư và chủ động nguồn vốn trả.
Đại diện NHCSXH tham gia cùng đoàn đã chia sẻ và cung cấp thông tin cho gia đình nhiều chương trình vay vốn ưu đãi nhằm hỗ trợ gia đình có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế.
Ông Trương Công Huy, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Hương Trà thông tin, phòng đang triển khai 15 chương trình tín dụng. Ngoài các chương trình hỗ trợ tín dụng cho các đối tượng chính sách như: hộ nghèo, cận nghèo, các chương trình an sinh khác như: chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, nhà ở xã hội… thì các chương trình vay vốn giải quyết việc làm, vốn cho hộ mới thoát nghèo… cũng đã, đang và sẽ tiếp tục tạo động lực không nhỏ trong phát triển kinh tế địa phương.
Năm 2020, kế hoạch dư nợ của phòng giao dịch là 345.646 triệu đồng, đơn vị đã thực hiện 344.834 triệu đồng, đạt 99,77%. Trong đó, dư nợ chương trình hộ nghèo đến cuối năm 2020 là 9.140 triệu đồng, với 438 hộ đang còn dư nợ.
Nhờ các chương trình vay vốn này, số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên toàn thị xã đến cuối năm 2020 chỉ còn 827 hộ, chiếm tỷ lệ 2,65%.
Theo ông Trương Công Huy, phòng giao dịch luôn chú trọng nâng cao hoạt động chuyên môn, ngoài tận dụng nguồn vốn của NHCSXH cấp trên, vốn bổ sung hàng năm của địa phương, đơn vị còn triển khai linh hoạt các giải pháp tạo lập nguồn vốn thông qua hình thức huy động vốn để mở rộng các chương trình tín dụng, đảm bảo 100% đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng có nhu cầu vay vốn đều được giải quyết kịp thời.
Thời gian tới, NHCSXH thị xã tăng cường các giải pháp nhằm thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao năm 2021, đảm bảo hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện theo quy định đều được tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất. Công tác phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội sẽ được tiếp tục tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý vốn vay ủy thác, vốn TDCS trên địa bàn, góp phần giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.
Từ nguồn vốn NHCSXH gia đình anh Triều đã đầu tư phát triển mô hình trồng rừng và cây ăn quả