Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Động lực phát triển nông thôn từ sản phẩm OCOP
Ngày cập nhật 30/01/2023

       Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.

 

 

 

 

Với nhiệm vụ này, sản phẩm OCOP trở thành mục tiêu và động lực, để người dân nông thôn hướng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống.

Thay đổi tư duy sản xuất

Khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra Chương trình OCOP từ tháng 5/2018 nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn.

Đến nay tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có 8.565 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó, 65,4% sản phẩm 3 sao; 33,4% sản phẩm 4 sao; 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao. Đồng thời, đã có hơn 4.392 chủ thể OCOP; trong đó, có 38,3% là hợp tác xã, 25,8% là doanh nghiệp, 33% là cơ sở sản xuất, kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Khi nông dân tiếp cận chương trình sản xuất OCOP, đồng nghĩa với tự thay đổi tư duy sản xuất để có được một thành quả khác trong sản xuất, cả về chất lượng sản phẩm, lẫn cách thức quản lý quy trình sản xuất, tư duy bán hàng và chịu trách nhiệm xuất xứ hàng hóa. Chỉ cần thay đổi tư duy sản xuất, người sản xuất khu vực nông thôn sẽ có một lối đi "bằng phẳng" hơn so với trước đây.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều ý kiến cho rằng có nhiều điểm nghẽn về hạ tầng nên chưa thể phát triển như mong muốn. Nhưng thực tế, hạ tầng của khu vực chỉ là điều kiện cần cho sự phát triển của khu vực, nhưng phải cần cả điều kiện đủ là nông dân nông thôn phải thay đổi tư duy làm nông nghiệp và cách làm nông nghiệp, thì sản phẩm nông nghiệp mới chạy tốt cho dù điều kiện còn cản trở.

Nói đến sự thay đổi tư duy trong sản xuất, phải nói đến Đồng Tháp, địa phương đi đầu trong đổi mới tư duy từ cách sản xuất đến tổ chức những người sản xuất lại với nhau, đưa người nông dân Đồng Tháp dần phát triển mạnh mẽ hơn, sản phẩm chất lượng hơn, được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến hơn như trái cây, thủy sản,…

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, tính đến cuối năm 2022, Đồng Tháp đã có hơn 265 sản phẩm được chứng nhận sao OCOP. Đây là một con số không nhỏ đối với một tỉnh có đặc thù về nông nghiệp và còn trong giai đoạn chuyển mình như Đồng Tháp.

Thông qua Chương trình OCOP, nông dân Đồng Tháp cũng đã biết đến cách thức bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, toàn bộ nông dân Đồng Tháp đã đồng lòng phát triển thương hiệu, cũng như chất lượng sản phẩm OCOP, được nhiều người tiêu dùng biết đến thông qua chương trình khuyến mại hàng tuần trên các kênh thương mại điện tử Lazada, Sendo, Shopee, Voso, Postmart, thậm chí khách hàng có thể truy cập vào website bán hàng của hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp chia sẻ.

Giúp nông dân hiểu rõ thị trường

Ngoài mục tiêu giúp nông dân thay đổi ý thức về sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường, OCOP còn giúp cho nông dân hiểu được thị trường nào cần sản phẩm gì để có thề đầu tư sản xuất đúng, đủ, không chạy theo yếu tố đám đông là sản phẩm nào được giá thì tự phát mở rộng diện tích, bất chấp thị trường có cần hay không.

Hơn nữa, hiện nay người tiêu dùng ngày càng thông minh, kể cả người tiêu dùng nội địa, lẫn người tiêu dùng tại các thị trường khó tính. Vì vậy, hiểu rõ thị trường là yếu tố then chốt để sản xuất và tiêu thụ bền vững. 

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, nhu cầu thị trường của Mỹ rất lớn và đa dạng, chi tiêu tiêu dùng chiếm 70% GDP. Thị trường Mỹ có các yêu cầu, quy định rất chặt chẽ trong thủ tục xuất nhập khẩu, đặc biệt chú trọng các yêu cầu về lao động và bảo vệ môi trường, các chi phí về vận tài lớn, dịch vụ, có tính cạnh tranh cao...

Nếu nông dân khu vực nông thôn hiểu rõ yêu cầu này và đưa vào tiêu chí sản xuất các sản phẩm OCOP, thì cơ hội xuất khẩu của các sản phẩm OCOP ngày càng  lớn, kinh tế nông thôn ngày càng cải thiện từ việc bán được sản phẩm theo đúng yêu cầu của thị trường.

Theo ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Thành Công, hiện sản phẩm cà phê của Vương Thành Công đã đạt chuẩn OCOP 4 sao. Để đạt được chuẩn này, Vương Thành công đã liên kết với 13 hộ nông dân, 2 hợp tác xã chuyên canh cà phê với diện tích 65 ha, đào tạo nông dân trồng cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ, cam kết bao tiêu cà phê với giá cao hơn thị trường.

Từ cà phê, doanh nghiệp phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm như trà, rượu từ hoa và vỏ cà phê. Khi đạt được tiêu chuẩn OCOP 5 sao, nghĩa là sản phẩm đã đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu. Vương Thành Công cũng đã lên kế hoạch xuất khẩu sản phẩm cà phê, trà từ hoa cà phê.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu quả của chương trình OCOP đã mang lại cho người nông dân Việt Nam ý thức sản xuất rõ nét, cùng với kiến thức về kinh doanh sản phẩm theo yêu cầu của thị trường, cách thức khẳng định chất lượng sản phẩm do mình làm ra người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Do vậy, Chương trình OCOP phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có từ 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, chương trình OCOP cũng phấn đấu có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó, ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.

Chương trình phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

 

Theo TTXVN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.389.654
Truy cập hiện tại 334