Gạo, thịt heo của Công ty TNHH MTV Nông sản Quế Lâm là một trong 15 sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng trên địa bàn tỉnh. Đây là các sản phẩm hữu cơ, an toàn được sản xuất theo quy trình, công nghệ khép kín, tuần hoàn. Quá trình sản xuất lúa gạo, thịt heo hoàn toàn không sử dụng hóa chất, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh, chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng...
Nông sản hữu cơ của Quế Lâm bước đầu có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh và được người tiêu dùng ủng hộ. Tuy nhiên, bước đầu do tâm lý người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của sản phẩm hữu cơ nên vẫn còn e ngại trong sử dụng. Vì vậy, sản lượng hữu cơ mà đơn vị này tạo ra vẫn còn hạn chế, chủ yếu tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn, các siêu thị. Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm cũng đã hình thành chuỗi tiêu thụ với ba loại gạo, thịt heo và sản phẩm chế biến từ thịt heo.
Tại Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt hình thành ba chuỗi cung ứng thực phẩm với bốn sản phẩm đặc trưng gồm hai loại rau, hạt sen khô, đậu lạc. Tại Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nông sản an toàn (A Lưới) hình thành ba chuỗi cung ứng nông sản với ba sản phẩm hữu cơ đặc trưng gồm chuối, bí đao, bí đỏ.
Sản phẩm hữu cơ Huế Việt
Chị Hồ Thị Hải Yến ở Vỹ Dạ (TP. Huế) nhận thấy, không riêng gia đình chị mà một bộ phận người dân đang có xu hướng chuyển sang sử dụng nông sản hữu cơ, an toàn. Các cơ sở, nông sản mà chị Yến thường tìm đến mua chủ yếu của Quế Lâm, Huế Việt, nông sản an toàn A Lưới… vì đã có thương hiệu, nguồn gốc sản phẩm rõ ràng. Chị Yến cảm thấy an tâm, tự tin khi sử dụng các sản phẩm hữu cơ, an toàn trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản tỉnh cho rằng, việc xác nhận tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn làm cho sản phẩm của các cơ sở tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Vì sản phẩm đã được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất ban đầu đến sơ chế, giết mổ, chế biến và đến người tiêu dùng thông qua việc sử dụng tem điện tử để truy xuất nguồn gốc. Từ đó, góp phần nâng giá trị sản phẩm so với sản phẩm thông thường.
Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xây dựng và phát triển đã góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn của người dân. Người tiêu dùng cũng yên tâm hơn khi thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản xác định, thời gian đến tiếp tục tuyên truyền về mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, khuyến khích người sản xuất và kinh doanh tham gia kết nối vào mô hình; kết hợp tuyên truyền, vận động người tiêu dùng chọn mua những sản phẩm an toàn, sản phẩm từ chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, tăng cường xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh và mở rộng các tỉnh trong vùng và các thành phố lớn trong cả nước. Chi cục phối hợp, kết nối các tỉnh lân cận tổ chức ký kết phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn cho các cơ sở trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Các sản phẩm truyền thống được xây dựng nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của cơ sở tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, cách nhận diện sản phẩm tham gia chuỗi. Theo đó, tăng cường giám sát chất lượng các cơ sở đã được chứng nhận vào chuỗi, thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm, lấy mẫu giám sát chất lượng để kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm tham gia chuỗi, giữ vững uy tín của các sản phẩm đã tham gia chuỗi đối với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Xuân Trường đánh giá, sau 10 năm triển khai đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực. Nhiều mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được hình thành, giá trị chất lượng nông sản được nâng cao. Quá trình sản xuất thực phẩm được kiểm soát theo chuỗi liên kết, tăng cường tính công khai và minh bạch trong sản xuất hàng hóa, tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng.