Bưởi thanh trà là một loại quả có giá trị kinh tế cao được trồng từ lâu đời trên vùng đất phù sa ở các địa phương nằm lưu vực sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu... Đây cũng là loại đặc sản mang nét đặc trưng và hương vị riêng của Huế và Hương Thọ nói riêng.
Hương Thọ là một xã vùng gò đồi ở đầu nguồn sông Hương, có điều kiện để phát triển cây bưởi thanh trà với sản lượng lớn. Chất lượng bưởi thanh trà Hương Thọ rất ngon và được đánh giá cao. Tuy nhiên, giá trị mang lại cho người trồng còn thấp, do thị trường không ổn định, sản phẩm chưa được nhiều người biết đến, chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Một lợi thế lớn của Hương Thọ là nơi tập trung nhiều di tích văn hóa, tâm linh, hàng năm thu hút khá nhiều khách du lịch đến tham quan với nhu cầu sử dụng quả bưởi thanh trà tương đối lớn.
Để nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng, tăng giá trị của sản phẩm bưởi thanh trà, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình “Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh bưởi thanh trà theo hướng bền vững, an toàn” với quy mô 5ha trên địa bàn xã Hương Thọ.
Với mô hình này, người dân áp dụng quy trình sản xuất theo hướng bền vững, trong đó tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ và các loại phân sinh học. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ một phần vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Ông Lê Văn Chúng, một hộ trồng bưởi ở Hương Thọ chia sẻ, tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ làm quen với công nghệ mới trong quản lý sản xuất và giới thiệu đầy đủ thông tin sản phẩm một cách công khai, minh bạch, từ đó xây dựng lòng tin, giữ vững uy tín với người tiêu dùng. Các hộ tham gia mô hình đã được hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất bằng phần mềm điện tử, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc để dán trên sản phẩm bưởi thanh trà Hương Thọ. Điều này giúp giá trị sản phẩm được nâng lên, được người dân tin tưởng và dễ tiêu thụ.
Theo ông Chúng, để có thể quét được mã tem trên quả bưởi thanh trà, người tiêu dùng chỉ cần tải các ứng dụng phổ biến nhất hiện nay có chức năng đọc và quét mã tem QR code như zalo, facebook, viber… Từ đó truy xuất thông tin chi tiết về nguồn gốc sản phẩm như hộ sản xuất, số điện thoại, ngày thu hoạch, có thể truy cập để biết được quá trình trồng, chăm bón… Từ các ứng dụng này, sản phẩm sẽ được quảng bá rộng rãi, nhiều người tiêu dùng biết đến và tìm mua dễ dàng, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, thúc đẩy người dân xây dựng thương hiệu của mình, mạnh dạn tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, tiêu thụ bưởi thanh trà Huế.
Thông qua các thông tin từ tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm bưởi thanh trà Hương Thọ, người tiêu dùng đã tin tưởng liên hệ đặt hàng, mua trực tiếp với người sản xuất không qua trung gian, không lo sản phẩm không đúng nguồn gốc, kém chất lượng. Người sản xuất giảm bớt sự lo lắng về thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng “được mùa mất giá”, giúp nâng cao giá trị và tiến tới xây dựng thương hiệu cho bưởi thanh trà Hương Thọ.
Trước đó, tại xã Hương Thọ, Hội Nông dân TP. Huế phối hợp với dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” thực hiện thí điểm thành công mô hình tái chế quần áo cũ thành các túi vải bọc bưởi và thanh trà, thay thế cho việc sử dụng các loại túi bọc chứa nhiều chất nhựa nhằm giảm lượng rác nhựa thoát ra môi trường trong quá trình sản xuất. Đồng thời, sử dụng túi vải còn góp phần bảo vệ quả, hạn chế sâu bệnh và tạo sản phẩm đạt chất lượng.