Chưa phát huy hết giá trị nghề truyền thống
Sau khi lập gia đình, hơn 10 năm qua, chị Bùi Thị Vấn (thôn Cự Lại, Phú Hải, Phú Vang) theo nghề truyền thống của gia đình. Hiện tại bình quân mỗi năm gia đình chị sản xuất khoảng 80 tấn ruốc và gần 1.000 lít nước mắm. Tuy nhiên, do khó trong khâu quảng bá, tiếp cận với thị trường nên sản phẩm của gia đình chỉ xuất cho thương lái nên lợi nhuận mang lại chưa hiệu quả.
Chị Vấn nói: “Làm ruốc từ nhỏ nên tôi nắm rất vững kỹ thuật ướp ủ, chỉ cần nhìn con khuyết là có thể xác định được chất lượng của sản phẩm. Tuy vậy, với quy mô sản xuất trên, trừ chi phí, mỗi năm gia đình chỉ lãi được chừng 100-150 triệu đồng; tính ra chỉ giải quyết được lao động nhàn rỗi theo mùa vụ trong năm”.
Cũng như chị Vấn, ông Nguyễn Đức Định có nghề sản xuất ruốc truyền thống ở Phú Hải được nhiều thương lái biết đến và trở thành “địa chỉ” nổi tiếng ở vùng biển Phú Vang. Ông kể, từ năm 2008, gia đình chuyển sang tập trung sản xuất ruốc theo hướng hàng hóa để níu giữ nghề của gia đình. Từ đó đến nay, gia đình vẫn trung thành với cách làm ruốc truyền thống kết hợp phương thức hiện đại, như đầu tư nhà trại, thiết bị ép, lọc... Cứ độ tháng 9, 10 là thu mua con khuyết tươi đánh bắt vùng biển ở quê và các nơi về trộn muối theo tỷ lệ nhất định. Muối ướp phải trắng, sạch, xay ép mang ủ phơi chừng 6-7 tháng, sau đó đưa vào chai, hũ xuất bán ra ở các chợ địa phương và qua trung gian đến Quảng Trị, Quảng Bình, Yên Bái...
“Rất tự tin với chất lượng sản phẩm của gia đình vì được đơn vị chức năng kiểm tra định kỳ hàng năm, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhãn hiệu, nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, chưa đưa ra thị trường xa nên doanh thu, lợi nhuận vừa đủ trang trải cuộc sống gia đình” - ông Định chia sẻ.
Quy mô sản xuất theo hộ gia đình ở Phú Hải cũng là tình hình chung của nghề sản xuất mắm, ruốc ở vùng biển Phú Vang. Sản xuất mắm, ruốc từ một nghề chính nay nhiều gia đình chỉ xem là nghề phụ, nghề làm thêm của người nội trợ trong gia đình.
Chị Lê Thị Bé Ba, Giám đốc HTX sản xuất chế biến thủy sản Phú Thuận (Phú Vang) cho biết, chất lượng ruốc mắm ở địa phương được nhiều người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh công nhận. Nhiều gia đình mỗi năm ướp ủ hàng trăm tấn ruốc, nhưng chưa thể làm giàu từ nghề ông cha để lại. Khó khăn này có nhiều yếu tố, trong đó nhiều hộ, cơ sở sản xuất chưa ý thức tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển thương hiệu, hiện nay vẫn tồn tại quan điểm sản xuất theo lối “hữu xạ tự nhiên hương”...
Cơ hội để tiến xa
Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, nguyên nhân hạn chế trên do các hộ gia đình, cơ sở đang sản xuất nhỏ, hoạt động manh mún, thiếu gắn kết nên khó tiếp cận nguồn vốn cũng như chưa hiểu về cơ chế thị trường, quảng bá thương hiệu. Tháo gỡ khó khăn này cần nhiều giải pháp, trong đó ngoài cơ chế chính sách, ban ngành chức năng địa phương cần sự cộng hưởng nhiều tổ chức, đơn vị liên quan hỗ trợ phát triển, bảo vệ thương hiệu, như chú trọng công tác truyền thông, trưng bày sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm trong, ngoài địa phương.
Thực tế, hiện nay sản phẩm ruốc Huế, phần lớn tập trung ở vùng biển Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền... không chỉ được tiêu thụ ở nhiều nơi mà còn một loại đặc sản đứng đầu trong bảng về gia vị, đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật văn hóa ẩm thực Huế. Là đặc sản mang đặc trưng của Huế nếu biết cách tận dụng cơ hội tốt sẽ quảng bá, nâng tầm thương hiệu sản phẩm ra thị trường xa hơn. Lúc đó, việc mở rộng phát triển, hình thành các làng nghề, HTX sản xuất mắm, ruốc có quy mô, mang lại hiệu quả sẽ không còn rào cản.
Ông Hoàng Nhật Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) tỉnh cho rằng, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai quy chế hỗ trợ các tổ chức, DN, cơ sở làng nghề trên địa bàn xây dựng và quảng bá thương hiệu; nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề, đặc sản truyền thống Huế; chính sách đổi mới, cải tiến chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn giai đoạn 2021-2030... Trong đó, có hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đối với các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương. Hiện nay, trung tâm đang triển khai dự án (DA) Tạo lập, bảo hộ và quảng bá nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Ruốc Huế”. Mục tiêu của DA là đáp ứng 100% tập thể, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT), như được tập huấn kiến thức về tạo lập, quản lý, bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ…; ít nhất 80% các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được hỗ trợ tạo lập, đăng ký bảo hộ quyền SHTT, trong đó ưu tiên các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, NHTT... Đây là cơ hội để đưa sản phẩm “Ruốc Huế” đi đến các thị trường xa hơn, nâng cao hiệu quả và thu nhập cho các gia đình làm nghề ruốc ở địa phương.