Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Phát huy thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung
Ngày cập nhật 20/05/2024

       Sáng 19/5, tại TP. Huế, Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tổ chức công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng; UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các Thành uỷ, Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh trong vùng. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

 

Mạnh về biển, giàu từ biển

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 3 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Trung Trung Bộ (Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh); Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận); cùng 2 hành lang kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây.

Quan điểm phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ tập trung vào các ngành kinh tế biển để vùng trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm gắn với phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, thành viên Hội đồng Điều phối Vùng, đại diện các bộ, ngành cùng các đại biểu cho ý kiến góp ý vào báo cáo sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ; ưu tiên, lưu ý những nhóm giải pháp phát triển của quy hoạch; các vấn đề khó khăn, thách thức chủ yếu và kiến nghị phương hướng tháo gỡ, khắc phục…

“Chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ; triển khai bài bản, khoa học; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời hạn mục đích cuối cùng là mang lại hiệu quả thực chất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân trong vùng, đồng thời để sự phát triển của vùng tạo động lực, sức lan tỏa mạnh mẽ phát triển các vùng lân cận và cả nước.”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị,  về cơ bản, kinh tế - xã hội từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn; chất lượng cơ sở hạ tầng trong vùng từng bước được cải thiện; thể chế và bộ máy điều phối vùng đã được hoàn thiện. Việc hoàn thiện Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh làm nền tảng, định hướng cho thu hút đầu tư trong thời gian tới…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ một số khó khăn hiện nay trong việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp quy mô lớn, phát triển các ngành kinh tế biển, xử lý các vấn đề có tính liên vùng như: giao thông kết nối, xử lý môi trường, cứu hộ, cứu nạn; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa.

Để triển khai có hiệu quả Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần phổ biến bản Quy hoạch vùng này một cách rộng rãi, công khai, minh bạch tới người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả nhất. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có kế hoạch cụ thể, tăng cường phối hợp với đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương trong vùng; phá bỏ tư duy cục bộ trước hết là trong việc triển khai thực hiện dự án có vai trò vùng; đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của từng bộ, ngành và địa phương, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của Vùng.

 “Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đề xuất rà soát 6 nhóm cơ chế, chính sách. Đó là, nhóm chính sách về đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng; nhóm chính sách về phát triển các ngành kinh tế biển, cụm liên kết ngành; nhóm chính sách về phát triển doanh nghiệp và thu hút dự án đầu tư quy mô lớn; nhóm chính sách, pháp luật về tài chính để huy động, phân bổ và chia sẻ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chung của vùng; cơ chế, chính sách về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng: giao thông, y tế, giáo dục,…; nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền”.

Cần thêm nguồn lực để phát triển

Tại hội nghị, lãnh đạo bộ Giao Thông Vận tải cũng đã thông tin về giao thông kết nối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Đáng chú ý là tình hình triển khai một số dự án quan trọng, liên kết vùng như, các tuyến đường ven biển liên kết trục dọc; các tuyến cao tốc kết nối Nam Trung Bộ và Tây Nguyên…

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao quy hoạch vùng, đã được xây dựng hết sức khoa học, công phu, kỹ lưỡng, trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của vùng. Đồng thời, lãnh đạo các tỉnh, thành cũng đã kiến nghị nhiều vấn đề.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại hội nghị

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng cần có thêm nguồn lực, thành lập quỹ phát triển vùng để mối liên kết. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề xuất nghiên cứu cho phép các địa phương trong Vùng được phát hành "trái phiếu chính quyền địa phương" để đề xuất với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương huy động vốn trái phiếu đầu tư các dự án trọng điểm của Vùng như: Cảng biển, đường cao tốc (giao thông gắn với logistic),... Đồng thời, phân cấp cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án liên vùng kết nối.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, về phương án phát triển kinh tế biển cần bổ sung thêm các cơ chế, chính sách để phù hợp với tình thần quy hoạch Quốc gia, để tạo ra sự liên kết, phát huy tối đa cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và các có cơ chế chính sách liên kết với Lào; cụ thể hoá các chính sách hỗ trợ nguồn các địa phương hỗ trợ như, hỗ trợ lãi suất đầu tư kinh tế biển, liên kết phát triển du lịch, thành lập quỹ xúc tiến du lịch.

Bộ trưởng Bố Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương trong vùng. Đồng thời, làm rõ nhiều vấn đề liên quan.

 

 

 

 

 

 

https://thuathienhue.gov.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.388.040
Truy cập hiện tại 77