Một thời, đời sống của gia đình ông Trần Hưng Dũng cũng như nhiều hộ dân thuần nông ở phường Hương Văn luôn gặp nhiều khó khăn. Vườn tược khá rộng nhưng chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế. Con cái càng lớn, điều kiện lo cho con ăn học trở thành gánh nặng đối với vợ chồng ông Dũng nên cái nghèo cứ đeo đẳng.
Trong lúc loay hoay tìm cách làm ăn phù hợp thì gia đình ông được hội nông dân các cấp quan tâm, động viên và chia sẻ cách làm nông nghiệp hiệu quả. Từ đó, một số cây trồng, vật nuôi bắt đầu định hình trong suy nghĩ, tư duy của ông Dũng.
Trước mắt, từ mảnh vườn rộng chừng 2.500m2, ông Dũng trồng 50 gốc chuối, 30 cây mít Thái Lan, 20 cây bưởi da xanh, tre lấy măng… Để cây trái mang lại hiệu quả cao nhất, ông kết hợp kinh nghiệm của “nhà nông” với tìm tòi trên sách báo, tham quan học tập quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây trồng từ nhiều nơi khác. Mồ hôi, công sức, sự cố gắng của ông đã bắt đầu cho “quả ngọt”. Những loại cây trồng có đầu ra ổn định, đem lại nguồn thu nhập bình quân cho gia đình ông mỗi tháng 10 triệu đồng.
Tận dụng vườn nhà và nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp tại chỗ, ông Dũng phát triển thêm mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước khi chăn nuôi, vợ chồng ông đến các gia trại, trang trại để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng ngừa và xử lý dịch bệnh. Khi đã tự tin nắm vững các quy trình kỹ thuật, ông Dũng mạnh dạn đầu tư nuôi gà kiến thả vườn để lấy trứng, mỗi lứa khoảng 100 con. Tiếp đến, đàn lợn nuôi ban đầu chỉ vài chục lợn nái, lợn thịt thì đến nay đã tăng đàn lên 70-80 con mỗi lứa.
Ông Dũng chia sẻ, quá trình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, vợ chồng ông luôn có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ các cấp hội nông dân, các ban ngành của địa phương. Khi gia đình cần vốn, kỹ thuật sản xuất đều được Hội Nông dân địa phương tạo điều kiện, tín chấp vay từ các kênh ưu đãi. Đặc biệt, thông qua phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do các cấp hội phát động, gia đình ông được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để vươn lên làm giàu.
Tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, ông Dũng phát triển thêm mô hình chăn nuôi gia cầm
Cùng với mô hình chăn nuôi, trồng trọt, người nông dân này còn có ý tưởng kết hợp kinh doanh lĩnh vực khác tìm cơ hội vươn lên làm giàu. Từ nguồn vốn tích lũy, cộng thêm nguồn vốn vay, ông Dũng mạnh dạn đầu tư thu mua lạc trên địa bàn, mua sắm máy lọc vỏ, ép dầu lạc và nhập sản phẩm cho các lò sản xuất kẹo mè xửng trên địa bàn toàn tỉnh. Vợ chồng ông Dũng còn mở hàng quán ăn uống, giải khát để có thêm nguồn thu nhập. Hiện tại, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt và các loại dịch vụ kinh doanh ước đạt 1,4 tỷ đồng, lãi ròng 600 triệu đồng. Không những giúp đời sống, kinh tế gia đình ổn định, có phần khá giả hơn trước, mô hình sản xuất, kinh doanh của ông Dũng còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, đồng thời giúp đỡ cho 8 - 10 hội viên có việc làm theo mùa vụ...