Đặc tính ăn của cá nước ngọt
Thông thường, cá nước ngọt ăn cả thức ăn có sẵn trong nước (thức ăn tự nhiên) lẫn thức ăn do người nuôi cung cấp (thức ăn bổ sung).
Thức ăn tự nhiên gồm các phiêu sinh vật (động vật và thực vật phù du), động vật đáy, các loại thực vật sống trong nước.
Thức ăn bổ sung là những sản phẩm do con người cung cấp như những thức ăn tươi (cỏ, rau xanh, cá tạp, tôm, ốc...) và thức ăn chế biến từ phụ phẩm nông nghiệp (lúa, ngô, khoai, sắn...).
Chế biến thức ăn cho cá
Đối với những loại thức ăn tươi khi chế biến chỉ cần rửa sạch, băm hoặc nghiền vừa cỡ miệng cá, rồi cho cá ăn ngay khi còn tươi. Loại thức ăn này thích hợp với các loại cá trê, trắm cỏ, chim trắng, rô phi, chép...
Đối với việc chế biến thức ăn hỗn hợp cần chuẩn bị nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng và phối chế thích hợp nhằm sử dụng có hiệu quả và kinh tế nhất.
Những nguyên liệu thường được sử dụng:
- Cám gạo: Đây là nguồn phụ phẩm rẻ và nhiều từ xay xát lúa gạo. Trong cám gạo hàm lượng đạm 8 - 10 %. Cám gạo sau khi nghiền cần phơi khô dưới nắng nhẹ, sau đó để nguội và bảo quản cẩn thận để chế biến dần làm thức ăn cho cá.
- Cá tạp: Có hai nguồn là cá tạp nước ngọt và cá tạp biển, nhưng chủ yếu sử dụng cá biển. Thành phần đạm các loại cá tạp dao động từ 44,1 đến 69,2%. Chất đạm từ cá được động vật thủy sản tiêu hóa rất tốt (> 90%), cung cấp đầy đủ các acid amin cần thiết. Hơn nữa, cá tạp là nguồn cung cấp các acid béo cần thiết và năng lượng trong thức ăn cho cá. Có thể sử dụng bột cá thay thế cho cá tạp với tỷ lệ lượng cá tạp = lượng bột cá x 4.
- Bột đậu nành: Có chứa hàm lượng cao 45 - 50%. Hiện nay, bột đậu nành ly trích dầu là sản phẩm được sử dụng phổ biến trong thức ăn cho cá, người nuôi có xu hướng dùng bột đậu nành thay thế một phần bột cá trong phối chế thức ăn cho cá.
Phương thức chế biến
- Kiểm tra nguyên liệu trước khi chế biến, loại bỏ các sản phẩm bị mối mọt, nấm mốc.
- Cân, nghiền và phối trộn đều các nguyên liệu với nhau: Nghiền nhỏ các loại nguyên liệu, cân theo tỷ lệ định trước, sau đó phối trộn đều. Tiếp theo, nấu chín thức ăn, để nguội, làm nhỏ thức ăn hoặc ép thành viên cho cá ăn. Thức ăn chín giúp cá hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước trong ao nuôi.
Cho cá ăn: Tùy theo mật độ cá thả có trong ao mà có thể cho cá ăn từ 2 đến 4 lần/ngày. Nên cho cá ăn ở một vị trí cố định trong ao. Thường xuyên kiểm tra thức ăn của cá nếu không hết cần giảm số lần cho cá ăn và số lượng thức ăn nhằm tiết kiệm nguồn thức ăn và đảm bảo vệ sinh môi trường ao nuôi do thức ăn thừa phân hủy.
Các sản phẩm nông nghiệp dùng để chế biến thức ăn cho cá phải được bảo quản an toàn không bị ẩm và nấm mốc gây hại. Những sản phẩm đã bị nấm mốc cần phải thải loại nhằm phòng tránh ngộ độc cho vật nuôi.
Mộc Hoa Lê
Nguồn Thủy sản Việt Nam