Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Người giữ làng nghề
Ngày cập nhật 25/12/2014
Anh Huỳnh Thế Tiến trong xưởng sản xuất.

        Nghe mọi người ca ngợi nhiều về anh, tôi đã tìm gặp trong chiều mưa nhập nhoạng tối. Tại cơ sở sản xuất, tôi thấy anh khá trầm tĩnh và nói nhát gừng khi kể về chuyện làm ăn của mình; cố gắng lắm tôi mới “khơi thông” được mạch nguồn suy nghĩ đang “dồn ứ” trong anh...

          Anh là Huỳnh Thế Tiến, 45 tuổi, thầy giáo dạy môn Âm nhạc Trường Tiểu học Thủy Lương-Thị xã Hương Thủy. Anh hát hay, đàn giỏi nên nhiều cơ quan, đơn vị trong thị xã thường mời anh tham gia các hội thi, hội diễn và thông tin, tuyên truyền lưu động. Ngày tôi về, anh đang bận rộn dựng chương trình văn nghệ của Ban Chỉ huy quân sự thị xã tham gia hội diễn do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Nói về nghề rèn của mình, anh trở nên tư lự, đăm chiêu và nhìn về nơi xa xăm nào đó...Nơi anh ở (Tổ 6-phường Thủy Châu), ngoài sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề phụ khác, còn có nghề rèn truyền thống Cầu Vực tồn tại đến nay đã hơn 150 năm.

        Trên thực tế, nghề rèn đã có mặt ở Thừa Thiên Huế gần 500 năm, xuất phát điểm của ông tổ nghề ở làng rèn Hiền Lương-xã Phong Hiền-huyện Phong Điền ngày nay, đã được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa. Từ đây, nghề rèn đã lan tỏa, cắm chốt nhiều nơi trong tỉnh, trong đó có làng rèn Cầu Vực. Từ đời cố, sơ của anh đã làm nghề rèn, đến đời cha ông vẫn nối nghiệp tổ; nhưng nền kinh tế thị trường thâm nhập sâu vào sản xuất, đời sống của nông dân, nên nghề rèn mai một dần và có nguy cơ thất truyền ngay tại làng rèn Cầu Vực. Không thể bỏ nghề truyền thống từ bao đời nay đã giúp người nông dân làm nên những mùa vàng bội thu, anh trăn trở, suy nghĩ lung lắm, làm sao để vực dậy một làng nghề nổi tiếng xưa nay ? Thế là, anh quyết tâm vừa làm thầy giáo, vừa kiêm thêm nghề rèn với tâm thế tự nguyện là người giữ lửa làng nghề với biết bao khó khăn, cam go, thử thách, vất vả, cực nhọc tưởng chừng không vượt qua được. Anh có mẹ già tuổi đã gần đất xa trời, vợ hưởng lương công nhân kỹ thuật bữa đực bữa cái, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học; mọi thứ trong đời sống đều dồn lên đôi vai vốn đã nặng nhọc của anh. Nhưng anh không nản chí, “có thực mới vực được đạo”, không thể để nghề rèn làng mình thất truyền được; vậy là anh đi cầm cố, vay mượn để có vốn làm ăn. Ban đầu lò rèn cũng đỏ lửa theo phương pháp thủ công để sản xuất ra những nông-ngư cụ đáp ứng nhu cầu của nông dân quanh vùng như cuốc, cày, liềm, dao, rựa và các dụng cụ nghề mộc...Sau vài ba năm có vốn tích lũy và vay mượn thêm, anh đầu tư 500 triệu đồng mở rộng cơ sở sản xuất, mua máy búa, máy cán, máy cắt, máy hàn và lò nung, riêng máy mài 2 mặt anh tự thiết kế và đưa vào sản xuất; anh tuyển 2 công nhân chính và 7 công nhân làm theo thời vụ, lương tháng 4-5 triệu đồng/người và có đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho họ. Bắt đầu từ đây, bằng nguồn nguyên liệu tại chỗ, cơ sở của anh chủ yếu sản xuất phôi nông-ngư cụ các loại cho các nơi khác trong tỉnh nhận về gia công, doanh thu bình quân 500 ngàn đồng/ngày, lãi ròng đạt gần 10 triệu đồng/tháng.  Anh đã trở nên nổi tiếng với thương hiệu “Cơ sở rèn-gò-hàn Trường Tiến-Cầu Vực”. Sản phẩm của anh làm ra có đặc thù riêng biệt, tốt, bền, chất lượng cao, giá thành hạ, nên được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, chấp nhận.
         Là nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh, hội viên tiêu biểu trong các hoạt động Hội và phong trào nông dân, do có thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 2013, anh được tỉnh chọn đi dự Hội nghị Gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc; 12/2014, anh được chọn đi dự Hội nghị Điển hình tiên tiến Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ III. Người giữ lửa làng nghề nay đã đạt được ước nguyện giữ nghề, phát triển nghề và làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội./.

Công nhân đang thao tác trên máy mài 2 mặt do anh sáng chế.

 

Vũ Anh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.390.549
Truy cập hiện tại 470