Hơn 20 năm nay ông rời bỏ quê ở thôn Phú Lộc 4 (khu vực trung tâm của xã) để vào rừng thực hiện ước mơ chiến thắng đói nghèo. Và đất rừng chẳng phụ công người. Ông vừa được UBND tỉnh tặng bằng khen “Nông dân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi” giai đoạn 2009-2014.
Sinh năm 1955, sau hơn 5 năm công tác trong lực lượng Hải quân, cuối năm 1982 ông Phán phục viên về cùng vợ làm ruộng. Năm 1993 sau khi xem xét địa hình, ông quyết định chuyển gia đình lên khu vực Khe Lau - một vùng thung lũng, gò đồi cách khu vực dân cư gần 5km để lập trang trại. Sau 5 năm cần cù vượt khó, vợ chồng ông đã biến trên 7ha đất chân đồi thành rừng keo, bạch đàn, vườn cây ăn quả, ao cá, ruộng lúa, chuồng trại chăn nuôi.
Năm 1995, khi địa phương đưa điện lưới vào sử dụng, ông đã mạnh dạn bỏ ra 70 triệu đồng đưa điện vào trang trại. Từ năm 1998 đến nay, gia đình ông đã xây dựng được mô hình tranh trại tổng hợp. Ngoài 4ha cây nguyên liệu giấy, ông còn trồng thêm cây ăn quả như cam, quýt, bưởi, nhãn, ổi, mít... Vật nuôi trong trang trại của ông hiện có 15 con bò, 10 con trâu, 50 con dê, 650 con gà, gần 2.500 con vịt, 200 con ngan, ngỗng, 100 đôi bồ câu… Hệ thống cầu cống, kênh mương liên kết gần 1,5ha ao hồ nuôi cá các loại. Ông còn có hơn 1ha trồng lúa hai vụ. Từng bước lấy ngắn nuôi dài, ông đã đầu tư mua máy cày phục vụ làm đất, mua ô tô tải để vận chuyển gỗ nguyên liệu, máy bơm công suất lớn để tưới và súc rửa ao hồ, máy tuốt lúa và nhiều công cụ cần thiết khác, tính ra giá trị đầu tư hàng tỷ đồng.
Về hiệu quả của trang trại, ông Phán cho biết, sau khi khấu trừ chi phí, mỗi năm ông thu về trên 400 triệu đồng. Gia đình có điều kiện nuôi 5 người con ăn học, có việc làm ổn định. Ông cũng đã tạo việc làm cho từ 10-15 lao động và tích cực tham gia công tác xã hội từ thiện của địa phương.
Ông Tưởng Văn Phán giới thiệu trang trại của mình.