Làm giàu chính đáng là nguyện vọng của dân.
Trong một lần giao ban tại Hội Nông dân Thị xã Hương Thủy, gặp tôi, anh Châu Văn Hồng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Thủy Phù nói vui “So với trước đây, nông dân xã mình giờ nhiều người giàu lắm, đa số không còn cái cảnh “úp om mà khõ nữa !”. Câu nói chân chất, mộc mạc nhưng chứa đựng nhiều thông tin, nên trong một ngày đầy nắng, tôi liền chạy về Thủy Phù với tâm trạng “phải tìm được, phát hiện được cái gì đây cho thiên hạ biết”…Không uổng công chạy đường dài, và quả không ngoa khi nói rằng, Thủy Phù bây giờ “nông dân ăn ngon, mặc đẹp và kén chọn lắm lắm !”. Tôi được biết, từ thực tiễn sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, kinh doanh, dịch vụ và ngành nghề trên địa bàn xã, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, nhiều điển hình nông dân biết phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiếp cận kịp thời với dịch vụ hỗ trợ, nhạy bén với thị trường…nên đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, tài nguyên, tiền vốn; tổ chức hiệu quả công tác đầu tư vốn, nhân lực, nguồn lực và quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…vì vậy, lực lượng nông dân SXKD giỏi có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Các hộ nông dân SXKD giỏi như ông Lê Hồng, Ngô Đắc Quang nói với tôi “Làm giàu chính đáng là nguyện vọng lâu nay của chúng tôi, dân có giàu nước mới mạnh, đúng không anh!”. Hiện nay, toàn xã có 69 hộ đang làm gia trại, trang trại như các ông Lê Dũng, Ngô Hùng Lâm, Văn Đức An; rất nhiều hộ nuôi chim cút, nuôi dê, lợn nái, nuôi bò và mở lò ấp trứng gia cầm, trồng nấm sò, nấm linh chi. Hội Nông dân phối hợp với UBND xã thực hiện các dự án trồng cây hồ tiêu, cây hương bài, nuôi vịt trời, cá chạch, cá điêu hồng, cá thát lát còm với tổng vốn đầu tư 598,7 triệu đồng, đã có một số mô hình đạt hiệu quả cao và đang được nhân rộng trong xã. Phong trào nông dân SXKD giỏi ở xã Thủy Phù đã trở thành cuộc cách mạng thực sự của nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện đã có 1.143 hộ nông dân đăng ký SXKD giỏi các cấp, trong đó cấp Trung ương 12 hộ, cấp tỉnh 56 hộ, cấp thị xã 425 hộ, cấp xã 650 hộ.
Cần lắm vốn và kỹ thuật
Không riêng gì nông dân xã Thủy Phù, đa số hộ nông dân SXKD giỏi trong tỉnh đều rất cần vốn và kỹ thuật để phát triển sản xuất. Họ coi đó là “cần câu” chắc chắn nhất để “câu con cá”. Tính riêng ở Thủy Phù, đến 6 tháng đầu năm 2016 đã có 35 hộ vay 701 triệu, nâng tổng dư nợ lên 5 tỷ 39 triệu đồng với 168 hộ vay, và mở 13 lớp tập huấn kỹ thuật cho 448 hội viên, nông dân tham gia. Điều đó cho thấy, trong nền kinh tế thị trường, nông dân đã và đang nhanh chóng tiếp cận những cái mới, tiên tiến, thực sự đưa lại lợi ích cho họ, đó cũng là động lực chủ yếu để họ mở rộng, phát triển sản xuất có hiệu quả. Nhiều sáng kiến, kinh nghiệm của nông dân để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp được áp dụng. Kỹ năng quản lý kinh tế gia đình cũng được nâng cao; nhiều hộ nông dân đã biết nắm bắt nhu cầu của thị trường, hạch toán kinh tế trong SXKD, mua sắm đủ các loại xe, máy phục vụ nhu cầu sản xuất như hộ ông Ngô Viết Dũng ở thôn 1A, Ngô Viên ở thôn 7, Nguyễn Tùng ở thôn 10…Nhiều hộ áp dụng các biện pháp luân canh, xen vụ, gối vụ, tranh thủ mọi thời cơ để tiếp cận đầu tư về giống, vốn, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất, phân công lao động hợp lý, khoa học, có kế hoạch sản xuất hàng năm, dự đoán khó khăn, trở ngại để có biện pháp phòng tránh, do đó giảm bớt được rủi ro, tăng hiệu quả kinh tế trong SXKD như hộ ông Nguyễn A ở thôn 10, Trần Đình Thắng ở thôn 1A, bà Nguyễn Thị Thu Hương ở thôn 5; nhiều gia đình hội viên, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đa dạng hóa vật nuôi, phát triển, mở rộng ngành nghề phù hợp nhằm phát huy lợi thế so sánh đã trở nên giàu có. Hộ nông dân SXKD giỏi xuất hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; nhiều hộ trở thành chủ doanh nghiệp, chủ các cơ sở SXKD, dịch vụ, chủ các trang trại, gia trại có lãi ròng từ 100-300 triệu đồng/năm, điển hình như các hộ Nguyễn Dành, Ngô Đông, Dương Cường, Lê Hồng, Phan Cường, Ngô Đắc Vọng, Ngô Duận, Ngô Đắc Quang v..v…
Trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, cùng với việc làm giàu cho gia đình và bản thân, qua phong trào, nhiều hội viên, nông dân SXKD giỏi ở xã đã giúp hộ nghèo về vốn, công lao động, các loại giống cây, con và chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, kết quả có 6 hộ thoát nghèo, trong đó có 5 hộ thoát nghèo bền vững. Phong trào cũng đã thúc đẩy mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ giữa các gia đình hội viên, nông dân, qua đó năng lực SXKD của mỗi hộ gia đình được nâng lên nhiều lần. Các chi hội, các câu lạc bộ, tổ, nhóm khuyến nông, tổ tương hỗ, tổ liên kết hợp tác sản xuất được thành lập ở các địa bàn dân cư…đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tín chấp vay vốn các tổ chức tín dụng, tập huấn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng canh tác, tiêu thụ sản phẩm, tham quan học tập lẫn nhau v..v…Chất lượng phong trào nông dân SXKD giỏi ở Thủy Phù được nâng lên nhờ biết cách tổ chức, quản lý, điều hành, nhất là việc đưa lại lợi ích thiết thực cho hội viên, nông dân, đã hấp dẫn, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia phong trào; hội viên, nông dân gắn bó với Hội, xem Hội là tổ ấm đáng tin cậy của minh./.