Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Nữ nông dân kiên trì làm giàu
Ngày cập nhật 13/10/2016

     Cuối năm 2015, tôi gặp chị tại Hội nghị biểu dương Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV; dáng người chị mập mạp, rắn chắc, cương nghị đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Chị là Nguyễn Thị Ba, 45 tuổi, ở khu định cư Bến Ván (nay là thôn Dương Lộc)-xã Lộc Bổn-huyện Phú Lộc.

     Vượt qua khó khăn để thoát nghèo bền vững

     Năm 2004, chấp hành chủ trương của tỉnh về xây dựng công trình thủy lợi hồ Tả Trạch, gia đình chị từ giã ruộng vườn ở xã Dương Hòa-thị xã Hương Thủy để cùng bà con nông dân về tái định cư ở vùng Bến Ván-xã Lộc Bổn-huyện Phú Lộc. Tưởng sẽ an cư lạc nghiệp tại vùng đất mới, ai dè, năm 2005, chồng chị bị tai nạn giao thông; bao nhiêu vốn liếng trong nhà có được bấy lâu nay, cộng với số tiền nhà nước đền bù, chị đều dốc hết để lo chạy chữa cho chồng, thế mà anh vẫn đành ngồi xe lăn; chị nuốt nước mắt vào trong, một mình bươn chải với công cuộc mưu sinh cùng với đàn con thơ dại…Không cam chịu số phận hẩm hiu, đói nghèo dành cho cuộc đời mình, với ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách, cộng với tố chất cần cù, siêng năng, ham làm của người phụ nữ nông dân, chỉ với 10 triệu đồng do Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp cho chị vay Ngân hàng CSXH, chị đã vươn lên thoát nghèo vào năm 2009. Thời điểm đó, phong trào trồng rừng ở xã Lộc Bổn phát triển mạnh, nhu cầu lao động tăng lên, chị cùng các chị em nông dân nghèo đi  trồng và chăm sóc rừng thuê cho các hộ có đất rừng. Nhận thấy công việc này sống được, chị tập hợp anh, chị em nông dân nghèo thành 3 tổ với 62 lao động trực tiếp sản xuất và đảm nhận tất cả các khâu trồng, chăm sóc, làm dịch vụ rừng kinh tế…Qua 6 năm làm việc, tích lũy cần mẫn, chăm chỉ như đàn ong lấy mật, đến nay chị đã có 0,25 ha đất nông nghiệp, 44 ha đất rừng, 2 xe máy xúc, 1 xe tải nhỏ, nhà cửa được xây dựng kiên cố, khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

     Vững vàng tiến lên phía trước

     Với hoạt động sản xuất chủ yếu trồng và chăm sóc rừng lấy gỗ nguyên liệu, từ năm 2013 đến nay, mỗi năm chị thu hoạch từ rừng 300-400 triệu đồng, giữa năm 2016 đã thu 420 triệu đồng (thu hoạch 10/44 ha). Năm 2015, chị tham gia trồng rừng theo Chứng chỉ FSC của Tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc với diện tích 20 ha sau 8-9 năm mới thu hoạch; tức là 1m3 bán ở cảng Chân Mây được 1,1 triệu đồng, nhưng có Chứng chỉ FSC bán cho nước ngoài được 1 triệu 450 ngàn đồng, lợi thêm 20-30%. Ngoài ra, hàng năm, chị còn nhận khoán trồng và chăm sóc rừng từ 180-200 ha, lợi nhuận bình quân 800 ngàn đồng/ha, thu nhập 160 triệu đồng về dịch vụ này; và với 2 chiếc xe múc hoạt động hàng năm đưa về cho chị hơn 400 triệu đồng. Năm 2016, chị có tổng thu nhập 1 tỷ 180 triệu đồng, trong đó sản phẩm gỗ 620 triệu, dịch vụ trồng và chăm sóc rừng 160 triệu, dịch vụ máy xúc 400 triệu, lao động thường xuyên 60-70 người được trả lương 200-250 ngàn đồng/công/người Đó là thành quả và hạnh phúc ngọt ngào sau những năm tháng kiên cường vật lộn, vượt qua khó khăn, thử thách để đi đến chân trời rộng mở, tươi sáng.

     Giàu nhưng không quên kẻ khó

     Do đã trải qua những năm tháng lao đao, khó khăn, vất vả cùng cực, nên chị hiểu nỗi lòng đắng chát của kẻ nghèo khó; trở thành người giàu có, chị hỗ trợ công và đóng góp xây dựng thôn xóm hàng năm 13-15 triệu đồng. Chị tập hợp chị em phụ nữ, nông dân có hoàn cảnh khó khăn để giải quyết việc làm thường xuyên cho họ, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống; bằng kinh nghiệm thực tế, chị giúp đỡ các hộ trong tổ sản xuất về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng đưa lại hiệu quả kinh tế cao, giúp họ vươn lên thoát nghèo. Các thành viên trong tổ gặp ốm đau, hoạn nạn, chị luôn tạo điều kiện cho mượn vốn không lấy lãi để chữa trị, giúp họ ổn định cuộc sống. Là hội viên nông dân tiêu biểu, chị luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương nơi cư trú, đóng góp tích cực xây dựng vùng tái định cư Bến Ván. Trong 5 năm qua, chị được UBND tỉnh tặng Bằng khen, Hội Nông dân huyện Phú Lộc tặng Giấy khen và Giấy chứng nhận Gia đình hiếu học, Gia đình văn hóa của xã Lộc Bổn. Năm 2015, chị được công nhận đạt danh hiệu Hộ nông dân SXKDG cấp tỉnh. Năm 2016, chị được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” nhân dịp kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội NDVN 14/10/1930-14/10/2016.

 Chị Nguyễn Thị Ba cùng các công nhân đang thu hoạch bạch đàn.

Nguyên Khôi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.389.405
Truy cập hiện tại 307