Một cách làm giàu ở nông thôn
Tận dụng phế thải nông nghiệp, ông Đỗ Xuân đã nghĩ ra cách ủ rác thành phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng. Đây là cách làm giàu từ nông nghiệp bền vững.
Ông cho biết: “Tình cờ được cử đi tập huấn về vấn đề phục hồi và tái sử dụng vùng đất bị suy thoái vào tháng 11.2011, tôi được biết đến sản phẩm men vi sinh phân hủy rác.Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng thử nghiệm sản xuất phân vi sinh từ rác hữu cơ, nhất là phế phẩm nông nghiệp để phục vụ sản xuất..”.
Ông Đỗ Xuân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh do mình làm ra để bón cho 20ha cao su, gừng, nghệ, tiêu, cam của gia đình. Phần dư, ông bán cho bà con nông dân quanh vùng.
Dự án “Nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới” tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ ông Xuân hơn 27 triệu đồng. Ông mạnh dạn bỏ thêm 25 triệu đồng tiền của gia đình để có kinh phí xây dựng 2 bể ủ rác thành phân hữu cơ vi sinh với dung tích 36m3.
Phân hữu cơ vi sinh sau khi ủ thành phẩm được ông Xuân đóng vào bao và trữ trong nhà kho để dùng dần và bán cho bà con nông dân quanh vùng.
“Phân bón hữu cơ vi sinh do tôi ủ ra đem bón cho cây trồng như cao su, gừng, nghệ, tiêu, cam… thấy cây nào cây nấy tốt vù vù. Lạ và mừng hơn là cây xanh tốt, "trẻ dai", năng suất, chất lượng cao hơn so với bón phân hóa học…Đây là cách làm giàu ở nông thôn hiệu quả. Nông dân nhiều khi cứ nghĩ trồng cây gì để làm giàu mà không nghĩ rằng phải trồng bằng cách nào để làm giàu…”, ông Xuân quả quyết.
Lấy cây chết nuôi cây sống
Năm 2012, dự án chấm dứt hỗ trợ, không bỏ cuộc, ông Xuân tiếp tục mày mò, tìm kiếm chế phẩm sinh học để sản xuất phân bón hữu cơ. Thấy ông bền chí, tâm huyết, năm 2014, dự án “Nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới” về khảo sát và hỗ trợ ông máy xát và trộn rác hữu cơ.
Ông Xuân cho biết, rác hữu cơ sau khi ủ thành phân vi sinh thì có độ tơi, mịn và khô ráo rất tốt cho các loại cây trồng kể cả các loại cây công nghiệp như cao su, điều, tiêu, cà phê...
Để có được một khối lượng phân lớn với độ dinh dưỡng cao, ông Xuân đã thuê người thu gom nhiều loại rác thải trong sinh hoạt cũng như những phụ phẩm, phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp như cỏ, rơm rạ, thân cây ngô, rau già…cho đến phân trâu, bò... “Thu gom miết rồi nguồn nguyên liệu cũng hết. Khi nguồn phụ phẩm, phế phẩm trên địa bàn xã bị cạn kiệt, tôi thuê nhân công ra địa bàn các huyện lân cận để vớt bèo tây, cỏ rác, xác cây chết rồi thuê xe chở về cơ sở sản xuất.”, ông Xuân cho hay.
Sau gần 5 năm làm phân bón hữu cơ vi sinh từ rác và cũng là sạch môi trường, ông Xuân đã đạt được kết quả như mong muốn. Trong năm 2016, ông sản xuất được hơn 40 tấn phân hữu cơ vi sinh cung cấp cho hơn 20ha cao su, nghệ, gừng…của gia đình và nhiều diện tích cây trồng khác của bà con trong thôn, xã.
"Sử dụng phân hữu cơ vi sinh giúp kéo dài độ trẻ, khỏe của cây trồng hơn gấp 2 lần so với bón phân hóa học Mặt khác, bón cây bằng phân hữu cơ vi sinh sẽ giúp đất tơi xốp, khả năng giữ ẩm tốt, độ màu mỡ đất dài lâu…" ông Đỗ Xuân cho biết.
Chia sẻ về giá trị dinh dưỡng mang lại từ loại phân bón hữu cơ vi sinh do tự tay mình làm ra, ông Xuân hoạch toán: “Khi dùng loại phân bón này, nông dân sẽ giảm được gần 1 nửa chi phí so với phân bón hóa học. Nếu 1 tấn phân hữu cơ vi sinh, chi phí khoảng 1,9-2 triệu đồng sẽ tương đương với sử dụng khoảng 360kg phân NPK, giá trị khoảng 3,6 triệu đồng)...Những vùng nông nghiệp lớn như Đà Lạt (Lâm Đồng) hoặc miền rừng núi nhà nông mà áp dụng mô hình này thì rất tốt… Đây là mô hình làm giàu ở nông thôn..”.