Niềm đam mê với rau mầm
Ban đầu, chị Hà chỉ trồng rau mầm để nấu cháo ăn giặm cho con. Cùng với niềm yêu thích làm nông nghiệp, năm 2013, chị quyết định chuyển sở thích nhỏ thành công việc nghiêm túc. Chị mày mò tìm hiểu từng hạt giống, giá thể khác nhau; nghiên cứu xem hạt giống nào sản xuất rau mầm tốt, giá thể cũng vậy.
Nguyên giá thể để trồng rau mầm, chị đã thay đổi không biết bao nhiêu lần, từ dùng trấu, cát sấy, khăn bông, cuối cùng là giá thể than bùn cho ra hiệu quả tốt nhất. Sản xuất ra được ít rau nào, chị lại mang đi giới thiệu với những người thân quen, bạn bè. “Hồi ấy rau mầm vẫn còn là một sản phẩm mới lạ với hầu hết mọi người. Người ta thấy tò mò nhưng lại không mua nên tôi vừa bán vừa cho họ dùng thử. Hết bạn bè, người thân rồi mang ra chợ đầu mối. 6 tháng liên tục, gần như chỉ có đổ tiền ra mà không thu được đồng nào. Tuy nhiên vợ chồng tôi không nản, tiếp tục vừa làm vừa tiếp thị vào siêu thị, dần dần người tiêu dùng cũng tin tưởng” – chị Hà chia sẻ.
Dễ trồng, giá trị dinh dưỡng cao nên rau mầm được thị trường ưa chuộng.
Vừa làm vừa quay vòng vốn, chị Hà đã xây dựng được một khu sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 1ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao và là mô hình điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vườn rau của chị ứng dụng đầy đủ kỹ thuật công nghệ cao như hệ thống cảm biến mưa, hệ thống tắt nắng tự động, hệ thống tưới nước tự động, nhà lưới. Theo chị Hà, trồng rau mầm không khó nhưng cần đảm bảo những yếu tố quan trọng như hạt giống và giá thể. Ngoài ra, để đảm bảo rau phát triển tốt cần đầu tư hệ thống đi kèm như nhà lưới.
“Trồng các loại rau sạch theo đúng quy chuẩn an toàn vốn đã không đơn giản, trồng rau mầm lại càng đòi hỏi yêu cầu cao hơn, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường. Rau mầm khá mẫn cảm với nước tưới, nếu nước không đủ, rau dễ bị héo và chết. Ngược lại, nếu lượng nước tưới dư thừa, rau sẽ bị úng thối. Hệ thống cảm biến mưa, và tắt nắng tự động sẽ tự điều chỉnh nhiệt độ phù hợp cho rau mầm nên có thể canh tác quanh năm” – chị Hà cho hay.
Đưa cây xà lách vào nhà kính
Từ nhu cầu thị trường về thực phẩm sạch, chị Hà tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, chuyển sang trồng thử nghiệm xà lách bốn mùa. Chị nhập 10 giống xà lách khác nhau từ Hà Lan về để trồng, như Icebert, Lollo tím, Lollo xanh, Romanie... cho năng suất và chất lượng cao. Trồng rau mầm và trồng xà lách có thể bổ trợ cho nhau. Những giá thể sau khi được sử dụng có lẫn rễ rau mầm sẽ được ủ hoai mục, tái sử dụng làm phân hữu cơ bón cho xà lách. Còn với xà lách, các hạt giống cũng sẽ được ươm trong các giá thể, sau đó mới đem ra trồng trên đất vì cây non ban đầu cần rất nhiều chất dinh dưỡng.
Theo chị Hà, xà lách là loại cây ưa lạnh, trong khi thời tiết mùa hè miền Bắc lại khá nắng nóng. Do vậy, phải xây dựng hệ thống nhà kính giữ nhiệt độ đủ mát cho rau. Điều này gây khó khăn cho người sản xuất vì nguồn vốn đầu tư ban đầu vào khá lớn. Nhưng khi đã đầu tư được, cây lại cho năng suất cao và chất lượng tốt so với cách làm thông thường.
Với cách thức canh tác khoa học, ước tính mỗi năm cơ sở sản xuất rau của chị Hà thu hoạch 55 tấn rau. Ngay sau khi cây được thu hoạch sẽ vận chuyển đến một công ty chuyên sơ chế, đóng gói bảo quản trong điều kiện tối ưu trước khi được bán ra thị trường. Hiện nay sản phẩm rau của cơ sở sản xuất rau củ quả Thanh Hà đã có mặt tại các siêu thị và cửa hàng rau sạch ở Hà Nội như Big C, Vinmart... với giá 15.000-30.000 đồng/kg tùy từng chủng loại. Như vậy, chỉ với 1ha rau xà lách, cơ sở của chị thu về trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2016 vừa qua, doanh thu của cơ sở sản xuất của chị đạt 3 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà chia sẻ: "Nguyên tắc sản xuất của chúng tôi là hoàn toàn dùng phân ủ hoai mục bón cho cây. Khâu làm đất cũng rất quan trọng, phải cho đất nghỉ ngơi để tránh mầm bệnh ủ dưới lòng đất, ảnh hưởng đến các vụ sau. Ngoài ra vẫn phải áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới có thể tạo ra những sản phẩm tốt nhất và năng suất nhất”.
Chị Bùi Thị Thanh Hà với tâm huyết trồng rau sạch.