Kinh nghiệm của Nhật Bản
Xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Căn cứ vào tình hình phát triển của nông thôn và mục tiêu của từng thời kỳ, Chính phủ Nhật Bản đã lần lượt ban hành hàng loạt pháp lệnh và chính sách hỗ trợ nông nghiệp có ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài. Trong thập kỷ 50, 60 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã đề ra Luật cơ bản về nông nghiệp và gần 30 đạo luật khác, đồng thời nhiều lần sửa đổi Luật Đất nông nghiệp, Luật Nông nghiệp bền vững... Tất cả các bộ luật này đã cấu thành một hệ thống hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý để công cuộc xây dựng nông thôn mới được tiến hành thuận lợi.
Chính phủ Nhật Bản tích cực tham gia và đầu tư kinh phí lớn. Để giải quyết vấn đề thiếu kinh phí đầu tư cho phát triển nông nghiệp, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chính sách hỗ trợ nông nghiệp như trợ giá nông phẩm, xây dựng quỹ rủi ro về giá nông phẩm, trong đó người nông dân bỏ ra 30%, Chính phủ bỏ ra 70%. Những năm gần đây, kinh phí đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông nghiệp của Nhật Bản vào khoảng 1.100 tỷ yên/năm.
Chính phủ luôn khuyến khích người nông dân tích cực tham gia, coi trọng tính tự lập tự chủ. Thời gian đầu, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Nhật Bản do Chính phủ đóng vai trò chủ đạo. Chính phủ Nhật Bản đã tìm mọi cách để nâng cao tính tích cực, sáng tạo của người nông dân, để họ thực sự trở thành đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng phát triển nông thôn. Cụ thể, trong phong trào xây dựng làng xã, Chính phủ Nhật Bản đề cao tinh thần phát huy tính sáng tạo, dám nghĩ dám làm, từ việc xây dựng, thực thi quy hoạch, đến việc lựa chọn sản phẩm trong phong trào “mỗi làng một sản phẩm”, đều là do dân cư các vùng tự căn cứ vào nhu cầu của điạ phương mình để đề xuất, thực hiện.
Nhật Bản đã luôn phát huy đầy đủ vai trò của hợp tác xã nông nghiệp. Đó là một tổ chức bao quát các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn và hộ nông dân. Hiện nay, trên 99% số hộ nông dân ở Nhật Bản đều trực thuộc tổ chức này. Thông qua sức mạnh tập thể, mạng lưới phân bố khắp cả nước đã cung cấp cho nông dân những dịch vụ nhanh chóng, chu đáo, hiệu quả.
Từ thập niên 70, tỉnh Oita đã hình thành và phát triển phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”. Mục đích là nhằm phát triển vùng nông thôn tương xứng với sự phát triển chung của cả nước Nhật Bản.
Trải qua gần 30 năm hình thành và phát triển, phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” ở đây đã thu được nhiều thắng lợi rực rỡ. Sự thành công của phong trào này đã lôi cuốn sự quan tâm không chỉ của nhiều địa phương trên đất nước Nhật Bản mà còn rất nhiều khu vực, quốc gia khác trên thế giới.
Những kinh nghiệm của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” được những người sáng lập, các nhà nghiên cứu đúc rút để ngày càng có nhiều người, nhiều khu vực và quốc gia có thể áp dụng trong chiến lược phát triển nông thôn, nhất là phát triển nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa đất nước mình.
Kinh nghiệm sâu sắc từ Hàn Quốc
Vào những năm 1960, Hàn Quốc là một trong những trường hợp “lạc hậu” ở châu Á (Philippines được coi là một trong những quốc gia tiên tiến nhất, chỉ đứng sau Nhật Bản). Ngày hôm nay, Hàn Quốc lại trở thành một trong những nền kinh tế phát triển cao trên thế giới trong khi Philippines vẫn đang cố gắng để có được vị trí là một nền kinh tế đang nổi lên, ra khỏi danh sách của các nền kinh tế kém phát triển. Vậy Hàn Quốc đã làm gì để có được vị trí hiện nay? Dĩ nhiên, rất nhiều yếu tố làm nên sự khác biệt này nhưng chúng ta hãy điểm lại một số lý do nổi bật cho sự thành công của Hàn Quốc.
Hàn Quốc đã đưa ra rất nhiều giải pháp tập trung phát triển ngành công nghiệp để dẫn đến sự tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, đồng thời quốc gia này đặt niềm đam mê và niềm tin vào việc phát triển khu vực nông thôn và công nghiệp cùng một lúc. Như vậy, sự phát triển của ngành nông nghiệp và công nghiệp đã mở đường cho nền tảng vững chắc của tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững trong nhiều thập kỷ bắt đầu từ những năm 1970. Ngày nay, Hàn Quốc mạnh cả về đô thị và nông thôn. Dù ở đâu, hầu hết người dân cũng được hưởng một trong những tiêu chuẩn sống cao nhất ở châu Á. Lý do cho sự thành công trong việc phát triển nông thôn là gì? Đó chính là các phong trào Saemaul Undong - có nghĩa là phong trào "Cộng đồng Mới".
Phong trào bắt đầu vào 22/4/1970 như một chiến dịch phát triển nông thôn. Sau đó, sức lan tỏa được ví như “cháy rừng” trên toàn Hàn Quốc. Chiến dịch được thiết lập theo sự chỉ dẫn của Tổng thống Park Chung-Hee. Tổng thống đã từng lập luận "Tôi tin rằng nếu chúng ta chăm lo cho cộng đồng bằng chính bàn tay của mình với tinh thần tự chủ và độc lập, bằng mồ hôi của chính mình, sau này đời sống của chúng ta sẽ cải thiện xứng đáng". Khi phong trào được phát động, Hàn Quốc bắt đầu cất cánh về mặt kinh tế và không có sự tụt hậu từ đó. Philippines ngày nay cũng được cho là quốc gia đang cất cánh nhưng vẫn cần một nền tảng vững chắc và hỗ trợ phát triển nông thôn. Phần lớn sự tăng trưởng kinh tế mà là ở khu vực thành phố và nông thôn lại bị bỏ quên. Trên thực tế, cái nghèo vẫn hiện hữu rất nhiều ở nông thôn. Thống kê cho thấy rằng trong khi nghèo đói ở khu vực đô thị chỉ khoảng 10% dân số nhưng ở khu vực nông thôn, điều này có thể tăng cao khoảng 50% hoặc hơn.
Hàn Quốc đã trải qua vấn đề này vào thời điểm những năm 1970. Vì thế, phong trào Saemaul Undong đã được hình thành để giải quyết vấn đề này. Phong trào tìm cách loại bỏ mọi sự nghèo khó của quá khứ, để thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp. Giáo sư Kim Yu-Hyok của Đại học Dankuk viết: "Phong trào Saemaul là một động lực vươn tới sự sự tích cực, tự lực và hợp tác. Nó chạm đến hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống để thúc đẩy sự tiến bộ từ sức mạnh của tinh thần tự lực cánh sinh”.
Năm 1979, thu nhập bình quân đầu người tăng 7 lần so với năm 1970 và tăng khoảng 20 lần so với năm 1960. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng 17 lần so với năm 1970. Từ một quốc gia không phát triển trong năm 1960, thời gian này Hàn Quốc xem mình là một trong hàng ngũ của các nước đang phát triển. Hôm nay, Hàn Quốc được phân loại như một nền kinh tế phát triển cao. Như vậy, từ kinh nghiệm thực tế của Hàn Quốc và đôi nét so sánh với Philippines, Việt Nam cũng có thể rút ra những chân lý nhất định để có thể vươn tới tầm cao như xứ xở Kim chi.
Cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ có 85 USD; phần lớn người dân không đủ ăn; 80% dân nông thôn không có điện thắp sáng và phải dùng đèn dầu, sống trong những căn nhà lợp bằng lá. Là nước nông nghiệp, lũ lụt và hạn hán lại xảy ra thường xuyên, mối lo lớn nhất của Chính phủ khi đó là làm sao đưa đất nước thoát khỏi đói, nghèo.
Phong trào Làng mới (SU) ra đời với 3 tiêu chí: cần cù (chăm chỉ), tự lực vượt khó,và hợp tác (hiệp lực cộng đồng). Năm 1970, sau những dự án thí điểm đầu tư cho nông thôn có hiệu quả, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức phát động phong trào SU và được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ. Họ thi đua cải tạo nhà mái lá bằng mái ngói, đường giao thông trong làng, xã được mở rộng, nâng cấp; các công trình phúc lợi công cộng được đầu tư xây dựng. Phương thức canh tác được đổi mới, chẳng hạn, áp dụng canh tác tổng hợp với nhiều mặt hàng mũi nhọn như nấm và cây thuốc lá để tăng giá trị xuất khẩu. Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ xây dựng nhiều nhà máy ở nông thôn, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho nông dân.
Bộ mặt nông thôn Hàn Quốc đã có những thay đổi hết sức kỳ diệu. Chỉ sau 8 năm, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn cơ bản được hoàn thành. Trong 8 năm từ 1971-1978, Hàn Quốc đã cứng hóa được 43.631km đường làng nối với đường của xã, trung bình mỗi làng nâng cấp được 1.322m đường; cứng hóa đường ngõ xóm 42.220km, trung bình mỗi làng là 1.280m; xây dựng được 68.797 cầu (Hàn Quốc là đất nước có nhiều sông suối), kiên cố hóa 7.839km đê, kè, xây 24.140 hồ chứa nước và 98% hộ có điện thắp sáng. Đặc biệt, vì không có quỹ bồi thường đất và các tài sản khác nên việc hiến đất, tháo dỡ công trình, cây cối, đều do dân tự giác bàn bạc, thỏa thuận, ghi công lao đóng góp và hy sinh của các hộ cho phong trào.
Nhờ phát triển giao thông nông thôn nên các hộ có điều kiện mua sắm phương tiện sản xuất. Cụ thể là, năm 1971, cứ 3 làng mới có 1 máy cày, thì đến năm 1975, trung bình mỗi làng đã có 2,6 máy cày, rồi nâng lên 20 máy vào năm 1980. Từ đó, tạo phong trào cơ khí hóa trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao, giống mới lai tạo đột biến, công nghệ nhà lưới, nhà kính trồng rau, hoa quả đã thúc đẩy năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng nhanh. Năm 1979, Hàn Quốc đã có 98% số làng tự chủ về kinh tế.
Phong trào SU của Hàn Quốc đã biến đổi cộng đồng vùng nông thôn cũ thành cộng đồng nông thôn mới ngày một đẹp hơn và giàu hơn. Khu vực nông thôn trở thành xã hội năng động có khả năng tự tích lũy, tự đầu tư và tự phát triển. Phong trào SU, với mức đầu tư không lớn, đã góp phần đưa Hàn Quốc từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở nên giàu có.
Kinh nghiệm của Thái Lan
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững nền nông nghiệp, Thái Lan đã áp dụng một số chiến lược như: Tăng cường vai trò của cá nhân và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh phong trào học tập, nâng cao trình độ của từng cá nhân và tập thể bằng cách mở các lớp học và các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; tăng cường công tác bảo hiểm xã hội cho nông dân, giải quyết tốt vấn đề nợ trong nông nghiệp; giảm nguy cơ rủi ro và thiết lập hệ thống bảo hiểm rủi ro cho nông dân.
Đối với các sản phẩm nông nghiệp, Nhà nước đã hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh với các hình thức, như tổ chức hội chợ triển lãm hàng nông nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị; phân bổ khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách khoa học và hợp lý, từ đó góp phần ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi và kịp thời phục hồi những khu vực mà tài nguyên đã bị suy thoái; giải quyết những mâu thuẫn có liên quan đến việc sử dụng tài nguyên lâm, thủy hải sản, đất đai, đa dạng sinh học, phân bổ đất canh tác. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, Nhà nước đã có chiến lược trong xây dựng và phân bố hợp lý các công trình thủy lợi lớn phục vụ cho nông nghiệp. Hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới tiêu cho hầu hết đất canh tác trên toàn quốc, góp phần nâng cao năng suất lúa và các loại cây trồng khác trong sản xuất nông nghiệp. Chương trình điện khí hóa nông thôn với việc xây dựng các trạm thủy điện vừa và nhỏ được triển khai rộng khắp cả nước…
Thái Lan đã tập trung phát triển các ngành mũi nhọn như sản xuất hàng nông nghiệp, thủy, hải sản phục vụ xuất khẩu, thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp chế biến nông sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là các nước công nghiệp phát triển.
Kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Thái Lan cho thấy, những ý tưởng sáng tạo, khâu đột phá và sự trợ giúp hiệu quả của nhà nước trên cơ sở phát huy tính tự chủ, năng động, trách nhiệm của người dân để phát triển khu vực này, có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng đối với việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nông nghiệp - tạo nền tảng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kinh nghiệm của Anh quốc
Có được một nông thôn mới tương đối hoàn thiện như vậy là nhờ một chiến lược thực hiện lâu dài và bài bản. Trong quá trình đô thị hóa nông thôn thì mạng lưới giao thông vi mô là quan trọng nhất. Họ không thể tùy tiện xóa bỏ những lối đi bé nhỏ, ngoằn ngoèo, vốn là một nét đặc sắc của không gian làng quê xưa, để thay bằng những con đường trải nhựa thẳng tắp như trong phố thị.
Chất lượng của mạng lưới đường giao thông trong mỗi thôn làng có thể được nâng cấp bằng những vật liệu mới, thậm chí được tráng nhựa, nhưng hình dạng và đặc điểm riêng của nó thì không được thay đổi. Mạng lưới thông tin liên lạc sẽ được cung cấp đồng bộ với việc nâng cấp của mạng lưới đường giao thông.
Từ những người thường dân cho đến giới trí thức ở châu Âu và ở nước Anh đều rất có ý thức tôn thờ vẻ đẹp do thời gian đem lại. Trong góc nhìn này, hai vấn đề tưởng như trái ngược lại bên nhau êm đềm tồn tại, đó là: sự cũ kỹ, lâu đời và sự sạch sẽ, vệ sinh. Một công trình kiến trúc, một cảnh quan làng quê tuy cổ xưa nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, tinh khiết thường đem lại cảm giác về sự thanh cao.
Đáng chú ý nhất là tuy những thôn dân sống ở xa thành phố nhưng không hề có cảm giác bị “lạc hậu” so với thành thị. Vì phương tiện giao thông hàng ngày của họ là ô tô cá nhân, xe bus, xe lửa… Nơi đâu cũng có internet, cable truyền hình, điện thoại; các cuộc mua sắm lớn đều thực hiện ở siêu thị, và phương thức thanh toán thông dụng đều thông qua thẻ tín dụng.
Trong những thành phố lớn thì những công trình được yêu thích hơn cả không phải là những ngôi nhà chọc trời, nhôm, kính sáng loáng mà là những ngôi nhà cổ cũ nát theo thời gian với vật liệu và phương pháp xây dựng thủ công có từ hàng trăm năm trước.
Chính sách bảo tồn được quần chúng ủng hộ và chấp hành triệt để. Trong lĩnh vực này, Chính phủ Anh đã rất có “tinh thần trách nhiệm” đối với di sản văn hóa của đất nước họ. Cách làm này có 2 mặt: bảo tồn được di tích bằng chính tiền do nó tạo ra; nhưng con người luôn là chủ nhân của mọi quy trình khai thác và thu lợi được từ chính di tích.
Những vùng nông thôn có tiềm năng du lịch luôn là một lợi thế cho phát triển. Nhưng phát triển không đồng nghĩa với hiện đại hóa nóng vội. Đó là những đường lối khôn ngoan mà người Anh áp dụng không chỉ cho đất nước của chính họ mà còn là gợi ý về một mô hình phát triển bền vững hiện nay.
Những con đường quanh co với những cây cổ thụ, những khóm đá có tự ngàn đời phải được tuyệt đối giữ gìn vì đó chính là những hình dạng, đường nét, hình khối chỉ có ở những địa điểm rất xác định, không hề lặp lại ở nơi khác. Lối sống hiện đại ở nông thôn nước Anh hiện nay về thực chất không còn khoảng cách biệt giữa nông thôn và thành thị.