Giá cà phê tiếp tục ảm đạm
Do sức mua từ phía các nước nhập khẩu yếu do lễ tết và thiếu nguồn quỹ, giá cà phê hôm nay (26/12) tại các vùng trọng điểm cà phê tiếp tục không có nhiều biến động so với nhiều ngày trước. Giá được giao dịch mức với mức thấp nhất là 35.200 đồng/kg tại Lâm Đồng, cao nhất đạt 36.300 đồng/kg tại Đắk Lắk.
Giá cà phê nhân tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung đang “rớt giá” xuống chỉ còn từ 35.200 đến 36.300 đồng/kg, giảm trên 1.000 đồng/kg so với đầu vụ thu hoạch và giá cà phê quả tươi cũng giảm xuống chỉ còn 6.800 – 7.200 đồng/kg. Nông dân Việt Nam đang sẵn sàng ôm hàng chờ giá và bán hàng theo hình thức giao ngay mà không bán trừ lùi như các năm trước, đây là điểm khác biệt rõ nhất của niên vụ năm nay so với các vụ trước.
Giá sàn cà phê robusta trong tuần cuối của năm 2017 có thể tiếp tục yên ắng, không có đột biến. Theo các chuyên gia nhận định, chỉ có thể trông chờ bước sang năm 2018.
Trong khi đó, Mưa tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất cà phê Brazil niên vụ 2018/19. Theo trung tâm nghiên cứu Cepea, mưa trong tháng 12 tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vụ sản xuất cà phê Arabica niên vụ 2018/19 của Brazil, theo khảo sát tại tất cả các vùng sản xuất cà phê Arabica. Trong khi đó, triển vọng sản xuất cà phê Robusta khá tích cực do mưa trở lại.
Tại các khu vực Cerrado Mineiro và Mogiana, thời tiết khô kéo dài tới tận tháng 9, và đợt mưa vừa qua giúp phục hồi các khu vực cà phê bị ảnh hưởng do thời tiết khô. Dù tình hình thời tiết cải thiện, Cepea dự báo sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2018/19 sẽ không vượt mức sản lượng niên vụ 2016/17 do các yếu tố liên quan đến giai đoạn ra hoa tại một số khu vực và hoạt động trồng mới tại Cerrado. Hoạt động sản xuất cà phê tại Brazil lần lượt trải qua một năm sản lượng cao và một năm sản lượng theo chu kỳ, với niên vụ 2018/19 là năm sản lượng thấp.
Giá tiêu hôm nay ít biến động
Giá tiêu vẫn duy trì ở mức thấp do nguồn cung lớn.
Giá tiêu hôm nay không có sự thay đổi so với cuối tuần trước, duy trì trong mức 70.000 – 72.000 đồng/kg.
Trong tuần trước, giá hồ tiêu duy trì xu hướng giảm lác đác tại các địa phương kể từ đầu tuần. Song đến ngày 21/12, giá hồ tiêu bắt đầu giảm sâu 2.000 – 3.000 đồng/kg tại hầu hết các tỉnh thành. Mức giảm này duy trì cho tới ngày hôm sau, đưa giá hồ tiêu trung bình xuống còn 71.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng so với đầu tuần.
Giá hạt tiêu tại Ấn Độ đã tăng 80 Rupees/kg trong 10 ngày qua – tốc độ tăng nhanh kỷ lục theo ghi nhận của những người trồng hồ tiêu. Diễn biến giá này xảy ra sau khi chính phủ Ấn Độ thông báo chính sách giá sàn nhập khẩu hồi đầu tháng 12. Ngay sau đó, giá hạt tiêu nội địa đã tăng 10 – 12% lên 420 Rupees/kg vào ngày 12/12.
Rohan Colaco, nguyên thành viên điều hành Hiệp hội những người trồng trọt Karnataka, và là một nhà xuất khẩu lớn, cho biết giá hạt tiêu đen đã chạm mức 500 Rupees/kg tại hầu hết các thị trường đầu mối. 2 tuần trước, giá hạt tiêu tại các thị trường này là 380 Rupees/kg. Nhu cầu cao và nguồn cung có vẻ đang khan hiếm, với khoảng 40% nông dân đang tích trữ chờ giá tăng lên mốc 600 Rupees/kg.
Bộ Thương mại Ấn Độ đã phê chuẩn đề xuất của Hội đồng Gia vị áp giá sàn nhập khẩu hạt tiêu CIF (giá hàng, bảo hiểm, cước vận chuyển) ở mức 500 Rupees/kg để bảo vệ lợi ích của nông dân trồng hồ tiêu nội địa. “Gần đây, giá hạt tiêu nội địa giảm mạnh gây lo ngại cho những người trồng hồ tiêu. Giá giảm gần 35% chỉ trong 1 năm và gây ra nhiều khó khăn cho nông dân”, theo phát biểu của các nhà chức trách Bộ Thương mại.
Nhu cầu hạt tiêu của Ấn Độ tăng với tốc độ 4%/năm, hiện ước đạt 60.000 tấn/năm. Sản xuất hạt tiêu Ấn Độ trong niên vụ tới ước đạt 65.000 – 70.000 tấn; trong khi sản lượng hạt tiêu Việt Nam ước đạt 170.000 – 190.000 tấn.