Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Trồng rừng gỗ lớn FSC nhìn từ Hòa Lộc
Ngày cập nhật 05/10/2020

     Trồng rừng gỗ lớn, chứng chỉ FSC đang được Hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp Bền vững Hòa Lộc (huyện Phú Lộc) triển khai hiệu quả, mở ra hướng đi mới triển vọng cho nghề trồng rừng kinh tế bền vững.

 

 

Ông Hồ Đa Thê, Giám đốc HTX Lâm nghiệp Bền vững Hòa Lộc cho rằng, trồng rừng truyền thống theo thói quen của bà con là phát đốt, cuốc trồng; sử dụng cây giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, chưa nắm bắt được kỹ thuật lâm sinh trồng và chăm sóc rừng trồng; chu kỳ kinh doanh ngắn ngày chỉ 4-5 năm khai thác; sản phẩm gỗ chỉ bán nguyên liệu giấy với giá rất rẽ, không ổn định, dẫn đến hiệu quả kinh tế đem lại từ rừng trồng khá thấp. Mô hình trồng rừng truyền thống còn phải trồng nhiều lần, tốn nhiều chi phí, công sức và làm ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Từ đó, bản thân ông Thê tiên phong, tuyên truyền, vận động các hộ nông dân có rừng đăng ký tham gia trồng rừng chứng chỉ FSC; đồng thời được sự hỗ trợ của dự án mây tre keo bền vững WWF, Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh, năm 2015, ông cùng với các lâm hộ thành lập chi hội chứng chỉ rừng Hoà Lộc, ban đầu gồm 25 thành viên, tổng diện tích 189 ha.

Để nâng cao nhận thức cho thành viên về quản lý rừng trồng FSC, ông Thê phối hợp với dự án mây tre keo bền vững WWF, tổ chức các lớp tập huấn, kỹ thuật lâm sinh trồng và chăm sóc, quản lý rừng trồng, khai thác tác động thấp. Ông còn tham gia công tác bảo vệ môi trường, các hội thảo, tiếp cận với các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua sản phẩm gỗ FSC, nắm bắt giá cả thị trường về sản phẩm gỗ vanh với nhu câu rất lớn. Từ đó, việc nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng trồng có FSC, bằng cách phải đưa tỷ lệ gỗ vanh lên từ 50- 60% khối lượng. Ông đã xây dựng mô hình chuyển đổi từ rừng trồng gỗ dăm sang rừng trồng gỗ lớn có tỉa thưa; đồng thời tổ chức thành lập tổ khai thác chuyên nghiệp, được tập huấn khai thác tác động thấp, quy trình tỉa thưa rừng trồng cho thành viên.

Căn cứ vào tình hình thực tế trồng rừng của người dân có mật độ từ 2.000-3.000 cây/ha, vì mục đích là bán gỗ dăm, sau 5 năm thu hoạch chỉ bán được 80 triệu/ha. Với mật độ rừng trồng đó dù có để đến 7 năm khai thác thì tỷ lệ gỗ vanh khoảng 15%, bán được chỉ từ 100 triệu đến 120 triệu/ha, do mật độ trồng quá dày nên không thể phát triển gỗ vanh. Bên cạnh nhu cầu của thị trường về gỗ vanh có FSC rất lớn, lại có giá cao so với gỗ dăm (tăng hơn 350.000đ/tấn), giá lại ổn định, có cam kết với Hội CRPTTTH  FOSDA về bao tiêu sản phẩm. Do đó để phát triển bền vững rừng trồng gỗ lớn, có tỉa thưa từ 2-3 lần, mà ít nhất phải 2 lần. Cụ thể, rừng 4 năm tuổi tỉa thưa lần 1, 30% số cây; rừng 5 năm tuổi tỉa thưa lần 2, 30% số cây; rừng 6 năm tuổi tỉa thưa lần 3, 10% số cây.

Sau 3 lần tỉa thưa chỉ còn lại khoảng 800-1000 cây/ha, sau 2 lần tỉa thưa đã đem lại bình quân 40 - 50 triệu/ha, lấy lại tiền đầu tư trồng và tăng thêm thu nhập cho gia đình; tạo điều kiện cho bà con đầu tư kéo dài thời gian 7-8 năm khai thác. Nhờ vậy tất cả rừng trồng của thành viên của chi hội, có tỉa thưa 2 lần, sau hơn 7 năm khai thác đã cho một sản lượng bình quân từ 200-220 mét khối/ha, tỷ lệ gỗ vanh tăng từ 60-70%, đưa giá trị rừng trồng gỗ lớn có FSC lên đến 250-300 triệu/ha. Đặc biệt có lô lên đến 380 triệu/ha. So với rừng trồng gỗ nhỏ 5 năm khai thác thì lợi nhuận chỉ được khoảng 80-90 triệu/ha. Bên cạnh đó, rừng gỗ lớn có FSC chỉ dài hơn 2 năm, nhưng lợi nhuận lại cao hơn từ 150-200 triệu/ha.

Từ hiệu quả đó, chỉ sau thơì gian hơn 2 năm, ông Thê đã vận động thêm 30 thành viên tham gia trồng rừng gỗ lớn với 351 ha, đưa chi hội lên 55 thành viên và với tổng diện tích là 540 ha được cấp chứng chỉ rừng FSC. Nhờ đo góp phần tăng thu nhập cho người dân từ rừng trồng, bảo đảm ổn định an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-  2020.

Thời gian qua, HTX Lâm nghiệp Bền vững Hòa Lộc đã xây dựng vườn ươm cây giống thân thiện môi trường, túi bầu hữu cơ tự huỷ, tổng diện tích vườn ươm 0,5 ha với quy mô sản lượng bình quân khoảng 1 triệu cây/năm; tạo việc làm cho 10 lao động/ngày, bước đầu đã ươm và bán được 50 vạn cây, sau khi trừ chi phí lãi được 50 triệu đồng .

HTX đầu tư dây chuyền, thiết bị máy bóc ván lạng để bao tiêu sản phẩm của thành viên với kinh phí 1,2 tỷ, công suất 15 m3/ngày; tạo việc làm cho 20 lao động/ngày với lương bình quân 6- 8 triệu đồng/tháng; đồng thời đem lại lợi nhuận cho HTX 360 triệu đồng. HTX đã tạo viêc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động…

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình của ông Hồ Đa Thê xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc.

 

Hoàng Hải
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.388.869
Truy cập hiện tại 224