Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Triển vọng thị trường xuất khẩu chè năm 2009
Ngày cập nhật 16/06/2009

  Nguồn cung chè trên thị trường thế giới năm 2009 sẽ giảm nhẹ so với năm 2008. Nhập khẩu chè đen thế giới giai đoạn 2009 - 2010 sẽ đạt 1,15 triệu tấn, tăng trung bình khoảng 0,6%/năm. Tại thị trường Mỹ, kinh tế suy giảm nhưng tiêu thụ chè có xu hướng tăng. Các thị trường khác thuộc châu Âu như Đức, Anh, Nga đều có xu hướng tăng nhu cầu tiêu dùng chè trong thời gian tới. Khu vực Trung Đông được đánh giá là có tiềm năng lớn cho chè xuất khẩu của Việt Nam

Tóm lại, giá chè thế giới trong năm 2009 sẽ được “nâng đỡ” bởi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh và nguồn cung giảm nhẹ.

Thị trường chè năm 2008 và triển vọng năm 2009

   Năm 2008, tổng kim ngạch của 10 nước nhập khẩu chè lớn nhất thế giới đạt 2,18 tỉ đô la Mỹ, chiếm trên 50% tổng kim ngạch nhập khẩu chè toàn thế giới. So với cùng kỳ năm 2007, kim ngạch nhập khẩu chè các nước này tăng trung bình 16,89%. Năm nước có kim ngạch nhập khẩu chè lớn nhất thế giới năm 2008 là Nga (510,6 triệu đô la), Anh (364 triệu đô la), Mỹ (318,5 triệu đô la), Nhật Bản (182,1 triệu đô la) và Đức (181,4 triệu đô la).

   Trong khi đó, tổng kim ngạch của 10 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới đạt gần 3,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2007. Danh sách các nước trong bảng xếp hạng top 10 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới năm 2008 không có nhiều thay đổi so với năm 2007 với ba nước dẫn đầu là Sri Lanka (đạt 1,2 tỉ đô la), Trung Quốc (682,3 triệu đô la) và Ấn Độ (501,3 triệu đô la).

   Theo Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), năm 2009 nguồn cung chè thế giới có thể giảm nhẹ so với năm 2008 do ảnh hưởng của thời tiết xấu đã làm giảm sản lượng chè ở một số quốc gia sản xuất chè. Như tại Kenya, nước xuất khẩu chè đen lớn nhất thế giới, những tháng đầu năm 2009 đang phải đối mặt với thời tiết khô hạn kéo dài, làm sản lượng chè giảm mạnh. Sản lượng chè thu hoạch của Kenya trong bốn tháng đầu năm nay đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2008. Tình trạng tương tự cũng xảy ra Sri Lanka, khiến sản lượng chè của nước này năm 2009 được dự báo sẽ giảm so với năm 2008.
   Tại Việt Nam, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2009 diện tích trồng chè dự kiến đạt 131.500 héc ta, tăng 1.900 héc ta so với năm 2007. Năng suất trồng chè năm 2009 dự kiến đạt 6,5 tấn búp tươi/héc ta, tăng so với mức 5,9 tấn/héc ta của năm 2007. Tuy nhiên, do yêu cầu thực tế từ khách hàng là thay đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng chất lượng hàng tốt nên sản lượng chè chưa chế biến của cả nước năm 2009 dự kiến ở mức 747.000 tấn, giảm 1,68% so với năm 2007. Như vậy, sản lượng chè khô trong năm 2009 ước đạt 159.000 tấn, giảm 1.000 tấn so với năm 2008.

   Về thị trường tiêu thụ, theo dự báo của FAO, trong giai đoạn 2009 - 2010, nhập khẩu chè đen thế giới ước tính khoảng 1,15 triệu tấn, mức tăng trung bình khoảng 0,6%/năm. Các nước nhập khẩu chính như Anh, Nga, Pakistan, Mỹ, Nhật Bản... sẽ chiếm khoảng 60% tổng lượng nhập khẩu chè toàn thế giới vào năm 2010. Cụ thể, Pakistan tăng 2,9%/năm, từ 109.400 tấn lên 150.000 tấn; Nhật Bản cũng tăng từ 18.000 lên 22.000 tấn, tăng 1,8%/năm.

   Tại thị trường Mỹ, mặc dù kinh tế đang trong thời kỳ suy giảm nhưng nhu cầu tiêu thụ chè không những không giảm mà còn tăng mạnh. Người tiêu dùng Mỹ đã hạn chế mua những đồ uống đắt tiền như cà phê, nước trái cây, nước ngọt...mà thay vào đó là tiêu dùng các sản phẩm rẻ hơn như chè, đặc biệt là những loại chè có chất lượng trung bình.

   Tại thị trường châu Âu, các nước Đức, Anh, Nga đều có xu hướng tăng nhu cầu tiêu dùng chè. Ngay từ những tháng đầu năm 2009, tại các thị trường này, người dân đã có xu hướng chuyển từ các đồ uống khác sang tiêu dùng các sản phẩm từ chè như các loại chè truyền thống, chè uống liền, chè chế biến đặc biệt. Như tại Nga, (một trong những nước tiêu thụ chè lớn trên thế giới), với mức tiêu thụ trung bình khoảng hơn 1 ki lô gam chè/người/năm.
Trong giai đoạn 2009-2010, nhập khẩu chè đen của Nga sẽ tăng từ 223.600 tấn lên 315.200 tấn, mức tăng trung bình hàng năm là 3%. Tuy nhiên, mức tiêu thụ chè đen (loại chè chiếm gần 80% mức tiêu thụ hàng năm) sẽ trong xu hướng suy giảm. Tỷ lệ chè xanh, chè hoa quả, chè làm từ các loại cây thảo mộc sẽ có xu hướng gia tăng.

   Các thị trường khác như Ai Cập, Iran, Iraq nhu cầu tiêu dùng chè cũng tăng.

   Như vậy, có thể thấy nhu cầu tiêu dùng chè tại các nước phát triển đang chuyển dần từ các sản phẩm chè thông thường sang các sản phẩm chè uống liền và chè chế biến đặc biệt trong khi tại các nước Tây Á và châu Á vẫn thích dùng các sản phẩm chè truyền thống.

Dựa vào các phân tích trên, Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (AGROINFO) dự báo giá chè trung bình của thế giới trong năm 2009 sẽ đạt mức 4.008 đô la Mỹ/tấn, tăng gần 1,5% so với năm 2008.

Cơ hội cho chè Việt Nam!

   Đối với giá chè trong nước và xuất khẩu của Việt Nam, AGROINFO dự báo cũng cùng chung xu hướng với giá chè thế giới. Theo đó, giá chè trong nước của Việt Nam trong năm 2009 sẽ ở mức 5.062 đồng/ki lô gam, tăng 1,6% so với mức 4.982 đồng/ki lô gam của năm 2008. Giá chè xuất khẩu cũng sẽ đạt mức 1.581 đô la/tấn, tăng 3,2% so với giá chè xuất khẩu trung bình năm 2008.

   Theo báo cáo quí 1- 2009 ngành hàng chè Việt Nam của AGROINFO, xuất khẩu chè của Việt Nam trong năm 2008 và quí 1-2009 đều tăng về giá trị so với năm 2007. Việt Nam đã xuất khẩu chè đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với các thị trường lớn là Pakistan, Đài Loan, Nga, các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và Trung Quốc.

   Năm 2008, hầu hết các nước trong danh sách 10 nước nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam đều là những bạn hàng lớn và truyền thống trong các năm trước đây với tổng kim ngạch đạt 111,9 triệu đô la Mỹ, chiếm gần 78,85% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam năm 2008. So với năm 2007, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này tăng trung bình 43,69%.

   Pakistan là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam năm 2008, đạt 37,8 triệu đô la. Quí 1-2009, Pakistan vẫn là nước có khối lượng và kim ngạch nhập khẩu chè lớn nhất từ Việt Nam, với 6.700 tấn, trị giá 9,3 triệu đô la, chiếm 39% tổng lượng chè xuất khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu nhiều chè tiếp theo từ Việt Nam là Nga (chiếm 19%), Đài Loan (chiếm 16%)...

 

( Theo www.agro.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.321.118
Truy cập hiện tại 10