Khuôn viên nhà sản xuất rộng khoảng 350m2 được ông Hoàng Văn Thơ lắp đặt hàng chục dãy kệ kích thước bằng nhau. Các túi nấm được xếp chồng lên nhau trên từng dãy kệ cao quá đầu người, đặt cách nhau chừng 1 mét. Cổ túi nấm đều hướng ra ngoài để các tơ nấm có thể phát triển mạnh. Nhà trồng nấm được xây dựng với yêu cầu không được để ánh sáng chiếu vào, nhưng phải cao ráo, sạch sẽ, thoáng khí để tránh mầm bệnh gây hại cho nấm và được đặt ở gần nguồn nước sạch để tiện chăm sóc.
Ông Hoàng Văn Thơ chia sẻ, với quy mô khoảng 35.000 bịch phôi trồng nấm, cho năng suất bình quân từ 250g đến 300g nấm trong vòng đời mỗi bịch phôi. Hiện nay, giá bán loại nấm này dao động từ 55 – 60 nghìn đồng/kg. Như vậy, sau 60 ngày cấy meo, người trồng nấm có thể thu về trên 500 triệu đồng mỗi chu kỳ từ 4 đến 6 tháng trên diện tích khoảng 350m2 này.
Năm 2019 khi mới bắt tay vào xây dựng mô hình trồng nấm bào ngư, ông Hoàng Văn Thơ gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, khâu kỹ thuật. Với bản tính cần cù, nỗ lực tìm tòi học hỏi của bản thân, cùng với sự giúp đỡ kịp thời của Sở Khoa học Công nghệ và sự quan tâm, chung tay tiếp sức từ các cấp hội nông dân (HND) thông qua các nguồn quỹ hỗ trợ, mô hình trồng nấm bào ngư xám của ông Hoàng Văn Thơ đã hình thành và đem lại lợi ích kinh tế cao cho gia đình.
Theo bà Đặng Hoàng Ái Thụy, Chủ tịch HND huyện Phú Lộc, trên địa bàn xã Vinh Mỹ hiện có nhiều mô hình sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế khá cao như nuôi cá lóc nhím, cá chình trong bể xi măng... Trong đó, mô hình trồng nấm bào ngư xám của ông Hoàng Văn Thơ là một điển hình mới. HND đã tín chấp tạo điều kiện cho hộ ông Thơ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để khởi nghiệp. Qua đánh giá bước đầu, mô hình này rất có hiệu quả trên địa bàn huyện. Hội đang quan tâm để nhân rộng mô hình này thông qua quỹ hỗ trợ nông dân, trên cơ sở đó sẽ thành lập các tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo đầu ra cho bà con.
Việc tiếp sức cho người nông dân từ các nguồn vốn vay ưu đãi của HND các cấp ở Phú Lộc chính là đòn bẩy giúp cho các nông hộ thêm tự tin triển khai những mô hình sản xuất mới, nâng cao thu nhập. Thông qua việc vận dụng linh hoạt, kịp thời và hiệu quả các nguồn vốn vay, HND huyện Phú Lộc đã giúp hàng trăm hội viên, nông dân có thêm điều kiện để vượt khó, làm giàu ngay trên mảnh đất của mình.
Ngoài nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp HND ở Phú Lộc tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho hội viên, nông dân phát triển mở rộng sản xuất. Cùng với đó, các cấp HND còn tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với người nông dân để đảm bảo đầu ra sản phẩm cho bà con.
Mô hình liên kết ở Vinh Mỹ đã cho thấy, những câu hỏi: Dùng giống gì? Sản xuất ra sao? Sản phẩm bán ở đâu? Giá thành bao nhiêu?... không còn là vấn đề “ngổn ngang, bề bộn” trên những diện tích sản xuất sản phẩm mới của người dân nơi đây.
Khảo sát mô hình trồng nấm bào ngư xám cho giá trị kinh tế cao của ông Hoàng Văn Thơ để nhân rộng trên địa bàn