Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Nhiều mô hình khuyến nông cần nhân rộng
Ngày cập nhật 06/01/2023
Nuôi bò lai

       Từ nguồn kinh phí khuyến nông địa phương và quốc gia, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản an toàn, theo hướng hữu cơ, chuyển đổi số.

 

 

 

Khẳng định hiệu quả

Ông Nguyễn Thanh Tuấn (TTKN) tỉnh thông tin, hệ thống sông, hồ trên địa bàn tỉnh là tiềm năng lớn để nuôi trồng thủy sản. Năm 2022, TTKN thực hiện mô hình “Nuôi cá leo bằng lồng theo hướng an toàn” tại hồ chứa ở xã Hương Phú (Nam Đông) và xã Quảng Thái (Quảng Điền) với 4 hộ tham gia. Kết quả sau 6 tháng nuôi, cá leo đạt trọng lượng 1,2-1,5kg/con; tỷ lệ sống bình quân đạt 60-65%. Sản lượng thu được 3,2 tấn, lợi nhuận 25-35 triệu đồng/hộ.

Ông Tuấn so sánh, nuôi cá leo bằng lồng trên hệ thống hồ chứa đem lại hiệu quả cao hơn so với nuôi trên hệ thống sông ngòi, do nguồn nước ở hồ chứa luôn trong sạch hơn, không bị ảnh hưởng của phù sa từ các nguồn khe suối đổ về các sông làm thay đổi môi trường và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cá nuôi.

Mô hình nuôi cá leo bằng lồng ở hồ chứa tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng nhờ có nguồn nước luôn trong sạch (đặc biệt nguồn nước ở hồ chứa). Đây là một hướng đi mới giúp cho bà con yên tâm phát triển nuôi cá leo bằng lồng nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, để phát triển mô hình này một cách ổn định và bền vững rất cần sự quan tâm và tạo điều kiện của các cơ quan quản lý về việc cấp phép cho các hộ dân có nhu cầu và đủ điều kiện để phát triển nuôi cá lồng, bè trên hệ thống hồ chứa.

Mô hình trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả mới được triển khai như ổi lê Đài Loan và dừa xiêm. Tại mô hình trồng ổi lê Đài Loan, ngoài việc tổ chức trồng thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, TTKN còn hỗ trợ cơ sở hạ tầng, xây dựng và chuyển giao hệ thống quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc, giúp hộ sản xuất có thể cập nhật các thông tin bằng điện thoại thông minh có kết nối internet.

Tất cả các biện pháp kỹ thuật áp dụng vào sản xuất ổi được cập nhật trên trang web, sản phẩm xuất ra thị trường có tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng có thể biết thông tin sản phẩm như nguồn gốc, nhật ký sản xuất, video toàn bộ quá trình sản xuất. Đây là cơ sở đảm bảo quá trình sản xuất được công khai, minh bạch đến người tiêu dùng.

TTKN liên kết sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giống lúa ST24. Hoạt động liên kết dựa trên phương thức doanh nghiệp đầu tư vật tư sản xuất và thu mua sản phẩm; trong đó các hộ tham gia mô hình được Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh đầu tư phân bón và thu mua sản phẩm với giá được ký kết hợp đồng trước khi vào vụ sản xuất.

Với mô hình nuôi gà an toàn sinh học liên kết tiêu thụ sản phẩm, TTKN áp dụng, sử dụng thảo dược để phòng bệnh cho vật nuôi, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và an toàn cho người tiêu dùng. Đơn vị gắn kết với các doanh nghiệp, các đầu mối tiêu thụ gà thịt để hình thành chuỗi liên kết ổn định từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…

Cần đầu tư nhân rộng

Giám đốc TTKN tỉnh, ông Châu Ngọc Phi đánh giá, ngoài những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thị trường đến hoạt động khuyến nông còn có những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục để tổ chức sản xuất, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Qua triển khai các mô hình cho thấy, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông chưa đồng đều đã phần nào ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Mô hình khuyến nông mới chỉ dừng lại ở việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các hoạt động về thông tin thị trường, xúc tiến thương mại chưa rộng, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện tại và phát triển lâu dài. Một số mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết nhưng kết quả chưa rõ ràng, lợi ích tăng thêm của các bên tham gia chưa thể hiện rõ. Việc tiếp cận của nông dân với các dịch vụ sản xuất, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất mô hình và nhân rộng mô hình.

Theo ông Phi, để các mô hình được nhân rộng cần bám sát chủ trương, định hướng cũng như nhu cầu phát triển nông nghiệp của tỉnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất của các địa phương và đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Sắp đến cần nghiên cứu, lựa chọn mô hình có hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất để triển khai kế hoạch hỗ trợ nhân rộng. Chọn hộ đảm bảo tiêu chí, có đủ năng lực, vật lực để đáp ứng yêu cầu của mô hình, có khả năng duy trì áp dụng kỹ thuật, phát triển quy mô sau khi kết thúc mô hình cũng là vấn đề cần lưu ý. Việc duy trì và phát triển các mô hình có hiệu quả đã được khẳng định tại các địa phương cần được quan tâm đúng mức, tránh lãng phí quá trình thí điểm, trình diễn.

Từ nguồn kinh phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, khuyến nông Trung ương… TTKN còn thực hiện nhiều mô hình hiệu quả, như sản xuất giống lúa HG12, JO2, HG22, HN6; mô hình “3 giảm, 3 tăng” (trong đó có IPM) trên cây lúa. Một số dự án (DA) khuyến nông, như: DA nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; DA “Phát triển vùng nuôi cá dìa (Siganus guttatus) thương phẩm theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu “Cá dìa Tam Giang”; DA khoa học và công nghệ “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình ươm, nuôi cá tầm (Acipenser spp) theo chuỗi giá trị; mô hình thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò cao sản giống bò Senepol. Các mô hình hiệu quả khác như nuôi cá leo bằng lồng, mô hình nuôi ốc hương (Babylonia areolata) trong ao lót bạt theo hướng an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm…

 

Hoàng Thế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.386.778
Truy cập hiện tại 1.182