Thiết thực
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Phong Thu (Phong Điền) đánh giá cao nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã giúp nhiều hộ hội viên, nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Riêng năm vừa qua, từ nguồn quỹ này đã giải ngân cho 10 hộ vay với 300 triệu đồng, thực hiện DA trồng và chăm sóc cây thanh trà bằng công nghệ tưới tự động. Từ khi đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây thanh trà cho thấy, sản lượng và chất lượng sản phẩm cao hơn trước, giúp các hộ vay nâng cao thu nhập.
Chủ tịch HND thị trấn Sịa (Quảng Điền), ông Lê Thanh chia sẻ, tiềm năng nuôi cá chình giống và thương phẩm trên địa bàn thị trấn được xác định khá lớn. Đây là loài thủy đặc sản có giá trị cao và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Nhiều hộ vùng đầm phá thị trấn có nhu cầu nuôi cá chình, song vốn đầu tư sản xuất luôn là trở lực đối với bà con. Để giúp dân có điều kiện sản xuất, HND thị trấn Sịa đề nghị HND tỉnh hỗ trợ DA nuôi cá chình thương phẩm bằng nguồn vốn vay từ Quỹ HTND. Theo đó, có 5 hộ được vay 500 triệu đồng thực hiện DA nuôi cá chình, bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Một gia trại bò ở Hương Vân (TX. Hương Trà)
Ông Phan Văn Xuân, Phó Chủ tịch HND tỉnh, kiêm Giám đốc Quỹ HTND tỉnh thông tin, hàng loạt DA được triển khai mang lại hiệu quả bằng nguồn vốn vay từ Quỹ HTND. Điển hình như DA trồng tràm nguyên liệu ở xã Lộc Thủy (Phú Lộc) với 10 hộ vay 500 triệu đồng. Đến nay, các hộ tham gia DA phát triển được diện tích rừng trồng, đầu ra ổn định và cho thu nhập khá cao.
DA cho vay vốn phát triển một số ngành nghề có lợi thế của địa phương mang lại hiệu quả như sản xuất, kinh doanh cây cảnh, mai vàng tại các huyện Quảng Điền, Phong Điền; nghề chổi đót, chổi rành, tăm hương ở thị xã Hương Thủy, thành phố Huế; trồng nấm rơm ở huyện Phú Vang, ứng dụng nhà lưới công nghệ cao trong nông nghiệp ở huyện Nam Đông.
Một số DA nuôi thủy sản, nuôi thủy sản xen ghép ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền; nuôi tôm trên cát ở huyện Phong Điền mang lại hiệu quả thiết thực. DA nuôi cá lồng ở xã Quảng Phú (Quảng Điền) với 10 hộ vay 300 triệu đồng, giúp mỗi hộ thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm. DA nuôi cá ao hồ ở phường Thủy Phương với 10 hộ vay 300 triệu đồng, mỗi hộ thu nhập 30-40 triệu đồng/năm.
Tại xã Thủy Phù có 10 hộ vay 500 triệu đồng thực hiện DA chăn nuôi bò sinh sản. Qua theo dõi, kiểm tra định kỳ cho thấy, điều kiện tự nhiên tại địa phương phù hợp để chăn nuôi bò, khả năng nhân rộng, tăng đàn cao, giúp bà con có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình.
Sử dụng vốn đúng mục đích
Tổng nguồn vốn do Trung ương HND Việt Nam ủy thác đến nay 11,190 tỷ đồng, giải ngân cho 326 hộ vay với 32 DA; trong đó 15 DA trồng trọt, 13 DA thủy sản, 3 DA chăn nuôi và 1 DA tăm hương. Nguồn vốn cấp tỉnh đến nay giải ngân 52 DA cho 393 hộ vay, tổng kinh phí dư nợ cuối kỳ 14,8 tỷ đồng. Trong đó, có 22 DA chăn nuôi, 12 DA thủy sản, 17 DA trồng trọt, 2 DA loại hình khác như nghề sản xuất chổi đót, chổi rành, nghề sản xuất chổi cật nứa. Riêng Quỹ HTND cấp huyện, thị xã, TP. Huế tính đến cuối năm 2022 trên 11,168 tỷ đồng, giải ngân cho 102 DA với 362 hộ vay.
Chủ tịch UBND xã Phong Thu (Phong Điền), ông Nguyễn Hữu Nam đánh giá, các DA, hộ vay vốn từ Quỹ HTND trên địa bàn xã đều sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích sản xuất, kinh doanh. Nhiều hộ đầu tư tăng đàn gia súc, gia cầm, mở rộng quy mô sản xuất, sửa chữa chuồng trại, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, đầu tư thiết bị máy móc phục vụ phát triển ngành nghề. Các DA vay vốn Quỹ HTND của Trung ương và tỉnh, huyện đã và đang triển khai khá thuận lợi, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng an toàn, đang phát triển tốt.
Theo ông Nguyễn Hữu Nam cũng như lãnh đạo nhiều địa phương, nguồn vốn Quỹ HTND tuy không lớn nhưng đã góp phần tích cực, giúp nông dân, hội viên nông dân có vốn kịp thời đầu tư sản xuất, tham gia mô hình, DA nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Trong năm qua, công tác phát triển Quỹ HTND ở các địa phương tiếp tục triển khai vận động và tăng trưởng. Hoạt động quản lý tài chính nguồn quỹ này từng bước chấn chỉnh, nâng cao chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Năm 2022, Quỹ HTND cấp tỉnh được ngân sách cấp 1,5 tỷ đồng; 8/9 huyện, thị xã và TP. Huế được cấp 1,350 tỷ đồng; nguồn vận động cấp xã toàn tỉnh đạt 440 triệu đồng, nâng tổng số nguồn vận động đến nay lên trên 5 tỷ đồng. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 38,348 tỷ đồng. Trong đó, vốn ủy thác từ Trung ương 11,190 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương trên 21,943 tỷ đồng…