Thay đổi thói quen, tạo thêm giá trị
Một thời, nhiều người từng rời quê hương vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam sinh sống và lập nghiệp. Lý do rời quê hương vì thu nhập bấp bênh, trồng lúa hồi đó năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, chủ yếu để ăn và bán để làm thức ăn chăn nuôi.
Giờ đây, cứ mỗi lần có dịp trở về quê hương, họ đều cảm nhận sự đổi thay nhanh chóng từng ngày của quê mình. Trong những đổi thay đó, điều mà nhiều người quan tâm hơn hết là điều kiện thu nhập của người dân có bước tiến hơn. Trồng lúa, rau, nuôi trồng thủy sản bây giờ đạt năng suất cao, sản phẩm đạt chất lượng nên dễ bán, thu nhập khá.
Những vùng đất cát hoang hóa, hay những cánh đồng chua phèn giờ thay vào đó là những vườn rau, luống ném, hành, khoai lang, nuôi tôm... theo hướng an toàn, VietGAP. Từ phương thức trồng, bón phân hóa học, phun thuốc hóa học trừ sâu, giờ đây bà con nông dân hoàn toàn bón phân hữu cơ, phun thuốc trừ sâu bằng chế phẩm sinh học.
Nguồn rau sạch, khoai lang VietGAP ở Quảng Công, Quảng Thái, Quảng Thành, Quảng Thọ (Quảng Điền), Điền Lộc, Điền Hòa (Phong Điền)... khi thu hoạch đảm bảo chất lượng, an toàn không chỉ tiêu thụ tại địa phương, các vùng lân cận mà còn bán đi nhiều nơi, vào nhà hàng, khách sạn. Rau sạch, ném ở Điền Lộc, Quảng Thành, Quảng Thọ... không chỉ dễ tiêu thụ mà còn bán được giá, bình quân mỗi ha mang lại thu nhập 250-300 triệu đồng/năm.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2 (Quảng Điền), ông Nguyễn Lương Trí chia sẻ, trồng lúa, rau màu hồi đó khác xa bây giờ. Cứ xuống vụ là bón phân hóa học, rồi phun thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh vô tội vạ, vậy mà năng suất lúa vẫn cứ thấp. Chất lượng lúa thấp cũng là điều dễ hiểu. Bà con một nắng hai sương, bám đồng từ đầu đến cuối vụ. Cày đất thì bằng trâu, cấy lúa cứ lom khom suốt ngày, đến thu hoạch còn còng lưng dùng liềm để bứt. Tuốt lúa cũng bằng máy thô sơ, mất nhiều công sức, thời gian.
Còn bây giờ, bà con mình trồng lúa sướng lắm, công đoạn nào cũng bằng máy móc, cơ giới. Cày đất bằng máy, xuống giống bằng gieo sạ rất khỏe, lại tốn ít thời gian, ít chi phí phân, thuốc. Mới đây, một số nơi bắt đầu ứng dụng công nghệ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bằng máy bay không người lái. Rồi đến thu hoạch lúa bằng máy gặt, đập liên hợp, cùng lúc vừa gặt lúa vừa đóng lúa vào bao, vừa cuộn rơm ngay trên đồng... Cũng phải kể đến hệ thống đê bao nội đồng được xây dựng hoàn thiện không chỉ phục vụ tưới tiêu, ngăn lũ mà còn giúp máy móc vào tận đồng ruộng phục vụ sản xuất.
Nhiều địa phương đang ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, như trồng lúa, trồng rau hữu cơ, VietGAP, trồng rau, củ quả trong nhà màng. Tại các xã Điền Lộc, Điền Hòa cũng như nhiều địa phương, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang liên kết với các doanh nghiệp, công ty đầu tư trồng lúa, rau hữu cơ, VietGAP, chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn theo hướng trang trại, gia trại. Các doanh nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cung cấp giống chất lượng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch. Với mô hình này không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng mà còn bán được giá, người dân yên tâm sản xuất.
Đã có không ít người xa quê giờ trở lại quê nhà đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn. Trong số đó có Lê Quang Cao ở thị trấn Sịa (Quảng Điền) sau bốn năm sinh sống, lập nghiệp ở miền Nam, giờ đã trở về quê nuôi thủy sản, trồng sen. Từ vùng đất hoang hóa, chua phèn hơn 4,5ha ở thị trấn Sịa được ông Cao cải tạo thành ao hồ trồng sen cao sản theo hướng VietGAP. Ngay từ vụ đầu tiên, hồ sen cho thu hoạch hơn 11 tấn sản phẩm tươi, lãi gần 300 triệu đồng.
Ấp ủ mô hình nuôi cá chình thương phẩm từ lâu, ngay sau khi trở về quê hương, ông Cao không chần chừ, ngần ngại khi đầu tư đến 7 tỷ đồng xây dựng mô hình nuôi cá chình giống và thương phẩm an toàn, VietGAP ngay trên vùng đất chua phèn, trồng lúa hiệu quả thấp. Từ lứa nuôi đầu tiên có đến 157 ngàn con chình giống và đến nay có 25 ngàn con cá chình thương phẩm, mô hình hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất Sịa nói riêng và Quảng Điền nói chung.
Nhân rộng, phát triển
Ở Việt Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP đã và đang phát triển mạnh, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây. Tại Thừa Thiên Huế, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm là một trong những đơn vị đầu tiên đã có những bước đi mạnh dạn trong việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ năm 2019. Đến nay, các mô hình vẫn đang được tiếp tục triển khai và đạt được một số kết quả tích cực.
Sau Tập đoàn Quế Lâm, một số doanh nghiệp như Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh, Công ty CP Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh... phối hợp, liên kết với các hợp tác xã, nông dân sản xuất mô hình trồng lúa hữu cơ, VietGAP với các giống lúa chất lượng cao. Các doanh nghiệp sau khi thu mua, chế biến thành những sản phẩm gạo chất lượng cao như "Vua ngự", ST24, gạo sạch Quế Lâm, gạo ngon Thủy Thanh, gạo thơm Phú Hồ...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đình Đức thông tin, ngành nông nghiệp đang tổ chức lại theo hướng sản xuất hàng hóa thâm canh, củng cố liên kết theo ngành hàng. Ngành nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, tuần hoàn và hữu cơ, mở rộng quy mô các cơ sở đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao khả năng cạnh tranh hàng nông sản địa phương.
Đến nay, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh sản xuất khoảng 500ha rau quả và nuôi khoảng 7.500 con lợn hữu cơ, khoảng 120ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình GlobalGAP, ASC, BMP, 12ha nuôi trồng thủy sản theo chuẩn VietGAP... Toàn tỉnh đã xây dựng 40 nhà lưới với tổng diện tích khoảng 55 ngàn m2. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục phát triển, mở rộng với hơn 5.100ha lúa và rau các loại... Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 toàn tỉnh đạt 7.280 tỷ đồng, giá trị các mặt hàng nông - lâm - thủy sản ước đạt 190 triệu USD.
Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Thừa Thiên Huế ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tập trung thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, sớm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.