Theo phản ánh của người dân, cá chết rải rác và nguy cơ chết nhiều là do thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài làm môi trường thay đổi đột ngột, nhiều chất độc, tảo độc nảy sinh. Dòng chảy trên sông yếu làm thiếu lượng ô-xy cần thiết cho thủy sản sinh trưởng và phát triển, dễ xảy ra dịch bệnh, hoặc chết đột ngột.
Ông Trần Kìm, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ (Quảng Điền) thông tin, trong đợt nắng nóng vừa qua, cá nuôi lồng trên sông Bồ tại địa phương chết rải rác. Dự báo nắng nóng tiếp tục kéo dài và gay gắt trong thời gian đến, khiến nguy cơ cá chết hàng loạt rất cao. Cán bộ địa phương đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi thường xuyên sục khí tạo ô-xy, giảm mật độ nuôi và các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho thủy sản.
Không chỉ trên sông, tại một số địa phương đã xảy ra hiện tượng cá nuôi trên đầm phá chết rải rác như cá kình, dìa...
Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, nhiệt độ nước là thông số quan trọng trong quản lý chất lượng môi trường nuôi thủy sản. Nhiệt độ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của động vật thủy sản, hoặc gián tiếp thông qua các quá trình lý hóa của thủy vực. Nhiệt độ cao hoặc dao động lớn sẽ gây sốc, giảm sức đề kháng của thủy sản, tăng mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh, ảnh hưởng tỷ lệ sống. Nhiệt độ nước cao còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và virus phát triển.
Để bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng và nâng cao hiệu quả sản xuất, cơ sở nuôi thủy sản cần áp dụng một số biện pháp tích cực để ổn định môi trường và hạn chế các tác động xấu đến thủy sản nuôi. Đối với cá nuôi lồng trên sông, hồ cần thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng, nhằm tăng cường ô-xy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng. Khi mực nước trên sông, hồ giảm cần hạ thấp lồng nuôi, hoặc di chuyển lồng đến nơi có mực nước bảo đảm độ sâu, lồng nuôi luôn ở độ sâu khoảng 2,5m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao.
Khi nhiệt độ nước trên 35°C thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường, ngừng cho cá ăn ở những thời điểm nhiệt độ nước trên 39-40ºC. Người dân cần tiến hành thu tỉa khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch để giảm mật độ nuôi trong lồng; hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.
Các cơ sở, chủ nuôi tôm cần kiểm tra bờ, cống ao để tránh hiện tượng rò rỉ mất nước, duy trì mực nước trong ao tối thiểu từ 1,2-1,8m để ổn định nhiệt độ nước ao nuôi; chuẩn bị nước sạch trong ao lắng/lọc để cung cấp hoặc thay thế một phần nước ao nuôi khi cần.
Theo kinh nghiệm của người dân cũng như hướng dẫn của ngành thủy sản, các hộ nuôi cần tăng cường quạt nước vào thời điểm từ 10-18 giờ hằng ngày để tránh sự phân tầng nhiệt, tăng cường ô-xy hòa tan ở tầng đáy, quạt sục khí vào ban đêm từ 2-4 giờ sáng để tránh thiếu ô-xy hòa tan trong nước. Đồng thời, giảm 30 - 40% lượng thức ăn cho tôm, cá vào những ngày nắng nóng trên 35ºC, ngừng cho ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 39-40ºC. Bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm định kỳ 2 đợt/tháng, mỗi đợt cho ăn liên tục từ 5-7 ngày để tăng cường sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong năm 2023 thời tiết nắng nóng diễn ra từ tháng 5 đến nửa đầu tháng 8 ở miền Bắc và từ tháng 5 đến hết tháng 8 ở miền Trung. Thời gian nắng nóng gay gắt nhất ở miền Trung từ tháng 6 đến đầu tháng 8. Đáng chú ý thời tiết nắng nóng gay gắt hơn và các đợt nắng nóng dự báo kéo dài hơn so với năm 2022. Các đợt nắng nóng có thể kéo dài lên 7 ngày, riêng khu vực miền Trung các đợt nắng nóng dự báo có thể kéo dài trên 7 ngày. Nhiệt độ cao nhất ở miền Trung khoảng 37-390C, có nơi cao hơn từ 40-420C.