Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn như tình trạng lao động thiếu việc làm, việc làm không ổn định, một bộ phận nông dân thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, khả năng tiếp cận, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, đây là những khó khăn, thách thức trong xây dựng nông thôn mới, vẫn còn một bộ phận nông dân chưa phấn đấu vươn lên.
Công tác giảm nghèo là một mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định tính ưu việt của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, trong những năm qua, Chính phủ đã luôn dành phần ngân sách đầu tư mở rộng tín dụng, tạo điều kiện để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; Nghị định số 78/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã tạo hành lang pháp lý để các tổ chức chính trị - xã hội làm dịch vụ ủy thác cho vay, chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách thuận tiện và nhanh nhất, coi đây như một giải pháp và bước đột phá trong việc triển khai chính sách tín dụng ngày càng hiệu quả.
Việc Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nói chung, Hội Nông dân nói riêng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương các cấp và được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội một cách dễ dàng, thuận tiện và đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội của thị xã nhà. Tính đến ngày 31/05/2023, tổng dư nợ do Hội Nông dân thị xã quản lý ở mức hơn 116,4 tỷ đồng với 68 Tổ TK & VV, có 2.369 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân hơn 49 triệu đồng/hộ. Nợ quá hạn 8 triệu đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,007%. Chất lượng hoạt động của Tổ TK & VV không ngừng được củng cố và nâng lên, cụ thể có 68 tổ có chất lượng xếp loại Tốt, chiếm 100% tổng số tổ, không có Tổ xếp loại trung bình, yếu.
Trong 05 năm qua, tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương và địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã đã phối hợp với Hội Nông dân giải ngân với tổng doanh số cho vay hơn 246 tỷ đồng, với hơn 6,7 ngàn lượt khách hàng được vay vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, đã có nhiều hộ nông dân cải thiện được đời sống, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều mô hình đạt hiệu quả cao nhờ sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách như các mô hình mở rộng vườn cây Thanh trà, bưởi da xanh tại Hương Vân, Hương Bình, Bình Thành, Bình Tiến,…; mô hình nuôi bò sinh sản ở Hương Vân, Hương Chữ,…; nuôi cá lồng ở Hương Xuân, Hương Văn,…; mô hình trồng rừng ở Bình Tiến, Hương Bình, Hương Vân,…; và nhiều mô hình SXKD dịch vụ buôn bán,…. Bình quân thu nhập mỗi hộ từ 80 đến 150 triệu đồng/năm, đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới của thị xã.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân phường Hương Xuân và Đại diện NHCSXH thị xã Hương Trà tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp của hội viên
Đạt được những kết quả đó là do có sự nỗ lực, chủ động phối hợp thực hiện các nội dung công việc trong văn bản liên tịch đã ký kết giữa Hội Nông dân thị xã với Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã. Thông qua cơ chế phối hợp này, các ngành đã cùng nhau thực hiện tốt phương thức cho vay mà ở đó hội tụ được sức mạnh của cả một hệ thống chính trị với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự tham gia của người dân cùng vì mục tiêu giảm nghèo, tiến bộ và công bằng xã hội. Thông qua các hoạt động tín dụng đã góp phần nâng vai trò, uy tín của tổ chức hội, việc tập hợp, thu hút hộ nông dân tham gia vào tổ chức hội ngày càng phát triển. Thông qua các mô hình, dự án góp phần thúc đẩy các phong trào của hội phát triển ngày càng sâu rộng, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới còn không ít khó khăn và thách thức. Đó là, tình trạng một số hộ vay sử dụng vốn chưa hiệu quả, chưa chấp hành các quy định của Ngân hàng, quy ước của tổ về tham gia gửi tiền, trả nợ, trả lãi; công tác quản lý nguồn vốn ủy thác của một số Hội đoàn thể còn chưa sâu sát, vốn vay ở một số nơi còn dàn trải... Vì vậy, để làm tốt công tác quản lý nguồn vốn ủy thác, trong thời gian tới Hội Nông dân thị xã cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã, đề ra một số công việc, cụ thể như sau: phối hợp giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng đã dược phân bổ để người dân có vốn chăn nuôi, sản xuất kinh doanh kịp thời vụ; tiếp tục củng cố lại các Tổ TK & VV; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho hội cơ sở và các tổ trưởng Tổ TK & VV, không ngừng nâng cao năng lực quản lý vốn để đáp ứng với nhu cầu công việc trong thời gian tới; phối hợp tăng cường công tác kiểm tra giám sát hội cơ sở, Tổ TK & VV, tổ viên, nhằm sớm phát hiện những sai phạm, cũng như những khó khăn còn vướng mắc để cùng nhau xử lý kịp thời, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, giúp hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; tích cực tham gia thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi để ngày càng có nhiều nông dân nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn nhằm giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới./.