Hệ thống đầm phá Tam Giang qua địa bàn huyện Quảng Điền với nhiều ưu thế để phát triển du lịch sinh thái khi hội tụ gần như đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Du khách đến đây ngoài dầm mình trong dòng nước mát lành, du thuyền ngắm cảnh đầm phá về đêm hay sáng sớm, còn được ngư dân hướng dẫn trải nghiệm nghề chài lưới, giăng câu, đổ nò và thưởng thức các món ăn thủy sản dân dã.
Thực tế từ nhiều năm nay, nhiều ngư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi bỗng trở thành “hướng dẫn viên du lịch” giới thiệu cảnh quan, dùng thuyền đưa du khách tham quan quan đầm phá, rừng ngập mặn. Nghề chài lưới cũng có đầu ra thuận lợi khi du khách, người dân ưa thích các loài thủy sản tươi ngon vùng đầm phá. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của ngư dân vùng sông nước.
Du khách Trịnh Thế Vinh ở TP. Huế bảo, thôn Ngư Mỹ Thạnh nằm cách TP. Huế chỉ khoảng 15km với giao thông đi lại khá thuận lợi là yếu tố quan trọng thu hút du khách ngày càng đông. Vào mùa nắng nóng, trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm du lịch cần đến tham quan, nghỉ dưỡng, nhưng với anh Vinh, vùng đầm phá Ngư Mỹ Thạnh là sự lựa chọn đầu tiên. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm “một ngày làm nông dân, ngư dân” và nhiều hoạt động vui chơi giải trí khá đa dạng, phong phú.
Vừa qua, mô hình du lịch Ngư Mỹ Thạnh được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là điểm du lịch cộng đồng của tỉnh. Mới đây, tỉnh có chủ trương đầu tư xây dựng thí điểm mô hình “Du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại thôn Ngư Mỹ Thạnh”.
Ông Lê Thành Nam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh thông tin, theo kế hoạch xây dựng mô hình thí điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới Ngư Mỹ Thạnh, tỉnh tập trung triển khai xây dựng thiết kế tổng thể, cảnh quan mô hình du lịch nông thôn, làm định hướng để người dân, cộng đồng hình thành các sản phẩm du lịch và tổ chức quản lý du lịch hiệu quả, phù hợp với địa phương. Ngư dân, cán bộ địa phương được hỗ trợ nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch theo yêu cầu của thị trường.
Tỉnh chủ động bố trí, lồng ghép nguồn lực để hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn (đường giao thông, nước sạch, môi trường,…) gắn với kế hoạch đầu tư của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác trên địa bàn.
Xác định người dân, cộng đồng là chủ thể của các mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới, các ban ngành chú trọng thực hiện các hoạt động truyền thông, thay đổi tư duy về vai trò, cách làm du lịch nông nghiệp, nông thôn cho người dân. Các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phải đặt cộng đồng là trung tâm, nền tảng để tổ chức sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đồng thời tạo sự lan tỏa cho phát triển kinh tế địa phương.
Sau mô hình Ngư Mỹ Thạnh, tỉnh mở rộng tại nhiều điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, lựa chọn và xây dựng dự án, kế hoạch xây dựng mô hình phù hợp với mục tiêu của chương trình phát triển du lịch nông thôn và lợi thế của địa phương. Đồng thời, kết hợp huy động các nguồn vốn từ các doanh nghiệp, cộng đồng, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện hiệu quả các mô hình.