Gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phú Lộc trở thành chủ doanh nghiệp, chủ các cơ sở SXKD dịch vụ, các chủ gia trại có thu nhập cao từ 800 triệu đến 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như ông Huỳnh Văn Khanh ở xã Giang Hải với mô hình trồng cây hoa súng cảnh trên diện tích 4ha, mỗi tháng cung cấp ra thị trường 40 ngàn cây. Tổng doanh thu mỗi năm 4-5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi 1-1,5 tỷ đồng. Mô hình còn giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ với mức thu nhập mỗi tháng dao động từ 6-10 triệu đồng/người.
Hàng loạt nông dân SXKD giỏi, làm giàu chính đáng như ông Nguyễn Văn Tùy ở xã Lộc Bổn với mô hình nông, lâm nghiệp kết hợp, lãi 1,75 tỷ đồng/năm. Các hộ Nguyễn Thị Ba, Hồ Đa Thê (Lộc Bổn), Trần Tuất (Lộc Tiến), Văn Viết Nguyên (Giang Hải), Nguyễn Lộc ở Vinh Mỹ và nhiều nông dân biết cách làm ăn, vượt qua khó khăn, thách thức trở thành triệu phú, tỷ phú trên đất quê hương.
Bà Đặng Hoàng Ái Thụy, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Phú Lộc khẳng định, phong trào nông dân SXKD giỏi đã thúc đẩy mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ giữa các gia đình hội viên nông dân. HND các cấp trên địa bàn huyện có nhiều giải pháp giúp đỡ nhiều hộ nông dân gặp hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Nhiều hộ gia đình nông dân đã phát triển kinh doanh, dịch vụ, mở ra ngành nghề mới mang lại lợi ích cho gia đình và cộng đồng.
Kinh tế tập thể được xác định là kênh huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa có quy mô, tăng cường đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. HND huyện Phú Lộc khuyến khích các hộ nông dân liên kết thành các tổ hội, tổ hợp tác, hợp tác xã, cùng với các cơ quan chuyên môn, tổ chức HND cơ sở tham gia chuyển đổi hợp tác xã theo luật, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng các mối quan hệ hợp tác để giúp đỡ lẫn nhau. Đến nay, trên địa bàn huyện có 52/52 hợp tác xã chuyển đổi theo luật.
Tính riêng trong 5 năm trở lại đây, HND huyện Phú Lộc hướng dẫn xây dựng 17 tổ hợp tác, 4 hợp tác xã trồng rừng, nuôi trồng thủy sản và hoạt động dịch vụ khác. Mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp bước đầu có hiệu quả. Thông qua hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp, hội viên đã liên kết với nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình kinh tế có hiệu quả đã được nhân rộng trên địa bàn, điển hình như mô hình phát triển vùng nguyên liệu và tinh chế dầu tràm tại xã Lộc Thủy; nuôi cá chình thương phẩm tại xã Vinh Mỹ; nuôi cá lóc đầu nhím, nuôi cá nước lợ ở Vinh Hiền; trồng cau cao sản tại Xuân Lộc; mô hình nuôi thủy sản xen ghép ở Giang Hải...
Hàng năm, toàn huyện Phú Lộc có 8.914 hộ nông dân đăng ký phấn đấu SXKD giỏi các cấp và có 4.759 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp. HND huyện Phú Lộc đã thành lập mới 3 câu lạc bộ nông dân SXKD giỏi ở xã Vinh Hưng, Lộc Bổn, Vinh Mỹ với 76 thành viên tham gia. Các câu lạc bộ đã hỗ trợ tích cực cho hội viên nông dân trong làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.