Dễ tiếp cận
10 hộ ở xã Quảng Phước (Quảng Điền) được Quỹ HTND tỉnh tạo điều kiện giải ngân cho vay 300 triệu đồng triển khai nuôi thủy sản xen ghép. Đây là mô hình phù hợp với năng lực của người dân, địa phương trong điều kiện thời tiết, môi trường diễn biến ngày càng phức tạp, ứng phó biến đổi khí hậu. Vay vốn từ Quỹ HTND bằng phương thức tín chấp, lãi suất ưu đãi còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất và đời sống.
Chủ tịch UBND xã Quảng Phước, bà Phan Thị Châu đánh giá, Quỹ HTND là một trong những kênh giúp nông dân dễ dàng tiếp cận, thuận lợi trong việc vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD). DA, mô hình nuôi thủy sản xen ghép của 10 hộ vay vốn 300 triệu đồng từ Quỹ HTND tỉnh thật sự mang lại hiệu quả. Qua các vụ nuôi, các hộ đều có lãi bình quân mỗi vụ từ 30-40 triệu đồng/hộ.
Theo lãnh đạo xã Hương Thọ (TX. Hương Trà, nay là TP. Huế), trong khi đa dạng hóa các kênh cho vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận, lựa chọn thì Quỹ HTND là kênh phù hợp với nhiều hộ gia đình, nhất là với những hộ không có tài sản thế chấp. Tại xã Hương Thọ có 12 hộ vay 800 triệu đồng từ Quỹ HTND để đầu tư DA trồng, chăm sóc và thâm canh cây thanh trà.
Các hộ vay đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho cây thanh trà và ứng dụng các biện pháp thâm canh, chăm sóc phù hợp đã cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn trước. DA giúp cây thanh trà phát triển bền vững, người dân có nguồn thu nhập ổn định và mạnh dạn mở rộng diện tích.
Giám đốc Quỹ HTND tỉnh, ông Phan Văn Xuân đánh giá, thông qua nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, nhiều DA, mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Tại xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) có 10 hộ vay 500 triệu đồng nuôi bò sinh sản, hiện đang phát triển tốt, khả năng tăng đàn cao, giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế. Các DA nuôi cá nước lợ ở xã Vinh Hưng (Phú Lộc), trồng sen ở Vinh Thanh (Phú Vang), trồng cao su ở Xuân Lộc (Phú Lộc) có khoảng 30 hộ vay hàng tỷ đồng đã phát huy hiệu quả, thu nhập bình quân mỗi hộ từ 30-50 triệu đồng/năm.
Mong muốn tăng thời hạn vay
Theo Giám đốc Quỹ HTND tỉnh, việc vận động, huy động nguồn Quỹ HTND từ hội viên nông dân đóng góp theo chỉ tiêu hằng năm được triển khai tích cực. Nguồn vốn Quỹ HTND huy động từ các cấp, ngành tiếp tục hỗ trợ cho nông dân vay kịp thời, giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho nhiều lao động. Nguồn vốn cho vay tuy không lớn nhưng giúp nhiều hội viên khó khăn, không có điều kiện thế chấp được tín chấp vay vốn phát triển sản xuất, hạn chế tối đa tình trạng vay nặng lãi.
Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn hán khắc nghiệt khiến dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn tiềm ẩn. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động xấu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân, trong đó có các DA vay vốn từ Quỹ HTND. Trong khi đó, các DA vay chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả chỉ giới hạn thời hạn vay trong vòng 1-2 năm là quá ngắn, người dân khó có điều kiện trả nợ. Các DA vay quy mô nhỏ từ 200-300 triệu đồng khó có điều kiện thành lập tổ hợp tác.
Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân đều thể hiện sự mong muốn được tăng thời hạn vay lên từ 3-5 năm nhằm phù hợp với chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi cũng như chu kỳ sinh lợi của DA, giúp người vay có điều kiện xây dựng, triển khai mô hình hiệu quả hơn. Với người dân tham gia các DA nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh, nông sản khó tiêu thụ do ảnh hưởng dịch COVID-19 gặp khó khăn trong việc trả nợ có nguyện vọng được tạo điều kiện gia hạn nợ. Ban điều hành Quỹ HTND đang đề xuất, kiến nghị Trung ương HND Việt Nam, HND tỉnh có cơ chế, chính sách gia hạn nợ cho nông dân.
Trước nhu cầu vay ngày càng lớn, HND tỉnh đang triển khai các giải pháp huy động, tăng nguồn vốn cho Quỹ HTND. Các cấp HND tranh thủ huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, các HTX, trang trại, hộ nông dân SXKD giỏi, các nhà hảo tâm. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ qua các DA quốc gia, quốc tế, nguồn ngân sách địa phương bổ sung vào nguồn vốn Quỹ HTND.
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt gần 32 tỷ đồng; trong đó vốn được ủng hộ 4,635 tỷ đồng, vốn ủy thác từ Trung ương HND Việt Nam 8,611 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 18,456 tỷ đồng... Tất cả số vốn đều được giải ngân cho nông dân vay phát triển SXKD.