Ngày 29/10, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo góp ý thống nhất logo nhãn hiệu tập thể "Sen Huế", quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Sen Huế".
Dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Sen Huế" cho các sản phẩm sen của tỉnh Thừa Thiên Huế do Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì.
Đơn vị thực hiện là Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ INNETCO- Hoàng Phúc. Việc xây dựng mô hình quản lý nhãn hiệu tập thể "Sen Huế" nhằm hỗ trợ hoạt động quản lý và phát triển bền vững nhãn hiệu tập thể "Sen Huế" đưa sản phẩm mang nhãn hiệu trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường.
Theo đề xuất mô hình quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Sen Huế", Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể.
Đây là đơn vị trực tiếp quản lý nhãn hiệu tập thể theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, có toàn quyền trong việc xây dựng, quyết định mô hình quản lý và phương thức hoạt động của hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể.
Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế có thể thành lập Ban quản lý nhãn hiệu tập thể gồm các bộ phận chuyên môn, như: Bộ phận thẩm định cấp, cấp lại và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể, cấp phát tem nhãn sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể; bộ phận quản lý chất lượng sản phẩm...
Ban quản lý cũng sẽ có bộ phận kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể và các bộ phận nghiệp vụ khác tùy vào tình hình thực tế của hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể.
Thành viên các bộ phận trên có thể gồm các cán bộ thuộc Hội Nông dân tỉnh (kiêm nhiệm), các Hội trực thuộc và đại diện một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm sen trên địa bàn.
Tổ chức sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm "Sen Huế" là đối tượng trực tiếp sử dụng nhãn hiệu tập thể, có quyền yêu cầu chủ nhãn hiệu tập thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể, đồng thời có nghĩa vụ tuân theo sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhãn hiệu tập thể về việc sử dụng nhãn hiệu.
Bên cạnh việc xây dựng mô hình quản lý phù hợp, để phát huy hiệu quả nhãn hiệu tập thể "Sen Huế" chủ nhãn hiệu tập thể cùng với chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại thu hút khách hàng.
Chủ nhãn hiệu tập thể cũng phải có giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp trồng, chế biến, kinh doanh nông sản ngày càng tốt hơn…
Tại hội thảo, các đại biểu cơ bản thống nhất với đề xuất mô hình quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Sen Huế" do Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ sở hữu; dự thảo quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Sen Huế".
Các đại biểu chỉ đề nghị sửa đổi một số quy định trong dự thảo quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Sen Huế", như điểm 2 của điều 8 quy định về tiêu chí để cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể "Sen Huế" và phương pháp đánh giá.
Điểm này quy định tiêu chí về quy trình sản xuất, chế biến "Sen Huế": "Sen mang nhãn hiệu tập thể "Sen Huế" được sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap), hoặc các quy trình sản xuất khác được cơ quan có thẩm quyền thuộc cấp Bộ hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành".
Theo nhiều đại biểu, tiêu chí này quá cao, nông dân và hộ sản xuất, kinh doanh chưa thể đáp ứng được. Các đại biểu này đề nghị tiêu chí VietGAP dùng cho tương lai, còn hiện tại nên bổ sung thêm tiêu chí "sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm". Ngoài ra, tiêu chí "các sản phẩm nông sản chế biến mang nhãn hiệu tập thể "Sen Huế" được sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP" các địa biểu cho rằng tiêu chí này chỉ dành cho các doanh nghiêp đủ điều kiện.
Về tiêu chí bảo hộ nhãn hiệu riêng của cơ sở, nhiều đại biểu cho rằng quy định "tổ chức, cá nhân sản xuất và chế biến sen mang nhãn hiệu tập thể "Sen Huế" phải có nhãn hiệu riêng của cơ sở được bảo hộ" là yêu cầu quá cao và không nhất thiết phải có nhãn hiệu riêng…
TOÀN CẢNH HỘI THẢO
Đ/c Phan Xuân Nam-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại Hội thảo.
Đ/c Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phát biểu tại Hội thảo.