Bây giờ đến Phú Lương, phương tiện các loại chạy “êm ru”, bởi những con đường thảm nhựa hoặc bê tông khang trang, phẳng mịn, không còn cảnh “ổ gà, ổ vịt” như trước. Đường trục chính nội đồng được cứng hóa 90%, xe cơ giới đi lại thuận tiện đảm bảo vận chuyển quanh năm. Đó là một trong những đổi thay, phát triển rõ rệt nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), “ghi dấu” sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Điển hình nhất là việc người dân trên địa bàn xã hưởng ứng sự vận động, đã hiến hơn 15 nghìn m2 đất và hơn 5 nghìn cây lâu năm các loại, cùng với đóng góp hàng trăm ngày công, để mở rộng đường hoặc “nắn” con đường thằng tắp.
“Khi mở đường quốc phòng, gia đình ông Trần Ngọc Chi đã hiến 100m2 đất ở, gia đình ông Ngô Ngạn hiến 200m2 đất ở. Rất nhiều gia đình khác cũng hiến đất với diện tích từ hàng chục đến hàng trăm m2 đất như thế. Đặc biệt, có những trường hợp như hộ ông Nguyễn Duy Liêm chấp nhận để con đường đi ngang qua, “cắt” thửa đất của gia đình thành 2 thửa. Đó là những đóng góp rất quan trọng và ý nghĩa, bởi đã lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng tinh thần chung tay, chung lòng” - ông Hồ Viết Thuyên bày tỏ.
Sự đồng lòng, đồng sức đã mang đến những chuyển biến, đổi thay rõ rệt trên mảnh đất Phú Lương. Do địa hình thấp trũng, trước đây vào mùa mưa bão, các tuyến giao thông chính bị chia cắt, cản trở không nhỏ đến hoạt động sản xuất và sinh sống của người dân. Bây giờ, các công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng; hệ thống kênh mương, đê bao phục vụ cho tưới, tiêu đảm bảo, đã tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động và phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân địa phương. Đến nay, trên địa bàn toàn xã có 1350/1350 nhà kiên cố và bán kiên cố; không có nhà tạm, nhà dột nát. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn NTM giảm còn 3,7%.
Vốn là một xã thuần nông, thu nhập chính trên địa bàn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, mà cây lúa là chủ lực, Phú Lương tập trung triển khai thực hiện nhiều mô hình giống lúa mới như: RVT, DT39, Bắc thơm7, Thiên ưu 8..., để thay thế những giống lúa kém chất lượng. Đồng thời nỗ lực thực hiện sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng liên kết, kết hợp với bao tiêu sản phẩm, hàng năm đạt 33% tổng diện tích trồng lúa.
Trước đây, Phú Lương liên kết với tập đoàn Quế Lâm, sản xuất lúa hữu cơ; sản phẩm là của Quế Lâm. Nhưng bắt đầu từ bây giờ, HTX Phú Lương 1, là đơn vị đại diện cho địa phương, sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ trên diện tích 5 ha (sau này sẽ mở rộng diện tích) để sản xuất gạo OCOP Phú Lương. Ngoài ra, Phú Lương mở rộng liên kết với các đơn vị như Quế Lâm, Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh, Công ty Giống cây trồng…, để sản xuất gạo chất lượng cao trên diện tích hơn 360 ha. Các đơn vị này sẽ cung ứng giống, vật tư và sau đó sẽ bao tiêu sản phẩm, đảm bảo yếu tố bền vững, nâng cao thu nhập của người nông dân.
Việc phát triển ngành nghề tại địa phương cũng được tập trung đẩy mạnh, nhất là nghề nấm rơm. Đến nay, toàn xã có 1.250 vòm nấm rơm với 614 hộ tham gia sản xuất, thu nhập bình quân 1.180.000 đồng/vòm/tháng. Tổng thu nhập từ nấm rơm là 14.8 tỷ đồng/năm, là nguồn thu khá cao và ổn định. Một số hộ trên địa bàn còn phát triển thêm nghề trồng hoa cúc, hoa lan góp phần tăng thêm thu nhập. Hiện nay, toàn xã có 1.262 lao động tham gia các ngành nghề. Tổng giá trị ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020 đạt 118 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống người dân…