Mô hình mới
Sau khi tham quan mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng ở Phú Yên, ông Trần Hòa ở xã Quảng Công khẳng định: Vốn đầu tư nuôi cá chình không lớn, chủ yếu giá con giống khá cao và đặt mua ở Nha Trang (Khánh Hòa). Giống cá chình ông Hòa đang nuôi là chình bông, thức ăn cho cá chủ yếu cá rô phi tươi sống nên chất lượng thịt rất ngon, không thua kém cá chình tự nhiên. Đây cũng là lý do giá cá thương phẩm của ông Hòa bán ra khá cao (dao động từ 500-550 nghìn đồng/kg) vẫn không đủ nguồn cung cho thị trường.
Hiện ông Hòa đang thả nuôi 7 bể cá chình với khoảng hơn 1.000 con giống, từ 6 tháng đến 2 năm tuổi và hai bể cá lóc. Nuôi cá lóc thời gian sinh trưởng ngắn, tận dụng phân thải của cá chình là thức ăn và chủ yếu phục vụ "lấy ngắn nuôi dài”. Tại mô hình của ông Hòa hiện đang còn một bể cá chình khoảng 200 con đã gần 2 năm tuổi, bình quân mỗi con trên 2kg. Nhẩm tính, 200 con cũng khoảng trên 6 tạ, mang về thu nhập cho gia đình trên 300 triệu đồng. Nhờ thực hiện mô hình này mà gia đình ông Hòa có thu nhập khá ổn định.
Trước đó, nhận thấy mô hình nuôi cá chình phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường ở vùng đất Sịa, ông Lê Quang Cao ở thị trấn Sịa mạnh dạn đầu tư 7 tỷ đồng làm trang trại nuôi cá chình, vụ đầu tiên lãi 1 tỷ đồng. Theo ông Cao, trong điều kiện nuôi đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, năng suất cao có thể lãi từ 1,5-2 tỷ đồng/năm. Cá chình thật sự “bén duyên” với vùng đất Sịa. Tuy bước đầu còn gặp một số khó khăn về kỹ thuật, yếu tố nguồn nước như chua phèn chưa xử lý triệt để, tỷ lệ giống hao hụt tương đối cao… nhưng giá trị hiện tại vẫn khá lớn.
Quy hoạch, nuôi thủy sản có giá trị
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Ngô Văn Dinh cho rằng, với 3.535ha mặt nước phá Tam Giang, 340ha mặt nước sông hồ, Quảng Điền có nhiều lợi thế trong phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS). Ngành nông nghiệp cùng các địa phương tập trung quy hoạch vùng nuôi, hoàn thành việc tách đê, khơi thông thủy đạo dọc theo tuyến đê ngăn mặn tây phá Tam Giang phục vụ NTTS. Mục tiêu của huyện ổn định 727ha NTTS nước lợ, 65ha nuôi cá ao hồ, cá - lúa và 1.060 lồng cá trên phá và ven sông.
Trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, thị trường tiêu thụ khắt khe, ngành nông nghiệp huyện Quảng Điền, các địa phương chủ động triển khai hướng dẫn ngư dân tuân thủ nghiêm ngặt khung lịch mùa vụ. Đặc biệt, thực hiện các biện pháp kỹ thuật và quy trình nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững theo đề án quy hoạch, xây dựng các vùng NTTS tập trung, an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm.
Về lâu dài, huyện Quảng Điền tiếp tục áp dụng rộng rãi mô hình NTTS theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi tập trung, khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng trang trại NTTS. Huyện đang triển khai quy hoạch lại vùng nuôi, bố trí, xây dựng hệ thống kênh cấp, thoát nước, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo điều kiện áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong nuôi thủy sản vùng hạ triều. Ngoài việc quy hoạch vùng NTTS, huyện đầu tư nghiên cứu áp dụng các quy trình, quy chuẩn trong nuôi trồng và chế biến thủy sản, công tác dự báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.
Đến thời điểm này, các xã Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Công và thị trấn Sịa tiến hành tu sửa và cải tạo hoàn thành diện tích ao hồ nuôi nước lợ, đưa vào thả nuôi khoảng một nửa diện tích vùng hạ triều với các loại tôm, cua, cá đặc sản như chình, nâu, dìa, chẽm, mú và cá trắm cỏ, cá mè…Theo đó, các địa phương hướng dẫn, vận động Nhân dân thả nuôi từ ngày 25/2 trở đi và thời gian thu hoạch trước ngày 31/8 nhằm tránh thiệt hại do lũ lụt.
Người dân Quảng An chăm sóc thủy sản