Theo báo cáo của Hội Nông dân thành phố Huế, hiện nay thành phố Huế có 26 cơ sở Hội, 12.149 hội viên tham gia sinh hoạt (trong đó năm 2021: sáp nhập 13 cơ sở Hội từ thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thuỷ và huyện Phú Vang). Qua phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2021 đã có 5.117 hộ đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thông qua nhiều hình thức khác nhau, năm 2021 Hội Nông dân các cấp của thành phố Huế đã vận động, giúp nhau vượt khó, thoát nghèo: vận động 923 triệu đồng, 528 ngày công, hỗ trợ vật tư với số tiền 652 triệu đồng giúp đỡ 758 hộ thoát nghèo… Nhờ đầu tư xuất kinh doanh hiệu quả, nhiều hộ nông dân ở thành phố Huế mỗi năm thu lãi từ 80 triệu đến vài trăm triệu đồng. Từ phong trào, đã có nhiều nông dân trở thành chủ doanh nghiệp, chủ các trang trại, gia trại có doanh thu 800 triệu – 1,5 tỷ đồng mỗi năm; xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả: nuôi tôm công nghệ cao tại xã Hải Dương, nuôi lươn không bùn tại xã Hương Phong, Nuôi cá lồng tại Thuận An, trồng hành lá tại phường Hương An, trồng Thanh trà tại phường Thuỷ Biều …
Tại buổi thăm, kiểm tra các mô hình, Đoàn công tác đã trực tiếp đi thăm, kiểm tra các mô hình: Trồng bưởi cốm tại xã Hương Thọ của hội viên Lê Đoàn, Lê Văn Chúng, Nguyễn Đức Việt, Hà Văn Bình. Theo hội viên Lê Đoàn, năm 2002 ông trồng thử nghiệm một số gốc bưởi cốm, hiện nay đã phát triển 120 gốc. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 500 triệu đồng, năm 2020 và 2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng thu hoạch khoảng 200 - 250 triệu đồng. Theo ông Lê Văn Chúng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thọ cho biết, năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt, công nhận bưởi cốm Hương Thọ là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, mở ra cơ hội lớn mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Hiện nay, bưởi cốm cho thu nhập cao hơn hơn so với những cây trồng khác, trung bình 1 sào (500m2) cho thu hoạch từ 25 - 30 triệu đồng.
Đ/c Nguyễn Chí Quang - TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cùng đoàn công tác thăm mô hình Trồng bưởi cốm của hội viên nông dân tại xã Hương Thọ
Tiếp đó, đoàn công tác đã đến thăm mô hình: nuôi heo hữu cơ của hội viên Đặng Thị Hiếu - thôn Châu Chữ, xã Thuỷ Bằng. Chị Hiếu chia sẻ: sau khi tìm hiểu thị trường, chị mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi heo theo hướng hữu cơ Quế Lâm. Đến nay, trang trại chị đã mang lại nhiều hiệu kinh tế cao quả.
Mô hình nuôi heo hữu cơ của hội viên Đặng Thị Hiếu - thôn Châu Chữ, xã Thuỷ Bằng
Phát biểu tại các mô hình trồng trọt, sản xuất khi đến thăm, đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá cao tính hiệu quả kinh tế cùng sự nghiên cứu tìm tòi, học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của các chủ mô hình trên, đồng thời động viên các hội viên nông dân tiếp tục duy trì và phát triển mô hình, mạnh dạn đầu tư để sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, thực hiện liên kết hỗ trợ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân thành phố Huế, các sở Hội tiếp tục chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân vào Hội; phối hợp với các ban, ngành liên quan để hỗ trợ mô hình, đưa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng được lan rộng; chú trọng phối hợp với các ban, ngành hướng dẫn hội viên nông dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của địa phương, của tỉnh để nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng hướng tới sản xuất nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng; trong đó phải đảm bảo môi trường; tăng cường phối hợp với các ban, ngành, địa phương liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, đưa hàng hóa, sản phẩm của nông dân lên sàn thương mại điện tử; cùng các ban ngành để tích cực tuyên truyền, triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.