Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm, làm việc tại Hội Nông dân huyện A Lưới
Ngày cập nhật 12/05/2022

      Sáng ngày 12/5/2022, đồng chí Nguyễn Chí Quang - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã thăm, làm việc với Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện A Lưới về tình hình hoạt động, triển khai các mô hình nông dân sản xuất tại địa phương. Cùng đi có đại diện Thường trực, Văn phòng, các Ban của Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện A Lưới.

 

      Thời gian qua, thực hiện chương trình giảm nghèo bề vững, Hội Nông dân huyện A Lưới đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Năm 2021, các cấp Hội đã tổ chức phát động thi đua được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng tích cực tham gia và đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Từ đầu năm 2022, Hội nông dân cơ sở đã tổ chức kiểm tra, rà soát các hộ đủ tiêu chuẩn đăng ký Hộ SXKD giỏi các cấp năm 2022, đến nay đã có 2.768 hộ Nông dân đăng ký; tiếp tục hướng dẫn và vận động thành lập các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các chi hội, tổ hội nghề nghiệp trên địa bàn.  

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã đến thăm Tổ Hợp tác Dệt zèng tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, được biết tháng 8 năm 2021, Tổ Hợp tác Dệt zèng được Hội Nông dân tỉnh Hỗ trợ 30 triệu đồng để tổ chức hoạt động. Qua trao đổi của chị Hồ Thị Tha - Tổ Trưởng, hiện nay Tổ Dệt zèng có 10 thành viên và sinh hoạt 1 lần/tháng. Trung bình 10 ngày dệt hoàn thành xong 1 tấm; mỗi tháng, dệt được 45 tấm, hiện nay đầu ra sản phẩm vẫn còn khó khăn, tuy nhiên, những năm qua, nghề dệt zèng được chính quyền địa phương và bà con bảo tồn, quảng bá như một sản phẩm văn hóa đặc sắc của huyện miền núi A Lưới. Với giá bán từ 300.000 đến 600.000 đồng/tấm zèng loại thường và từ 1 đến 1,5 triệu đồng loại đính cườm, nên ngày càng có nhiều người theo nghề và sống được với nghề, dù chỉ tận dụng thời gian nhàn rỗi, mỗi người cũng có thể thu nhập được từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng.

Cùng ngày, đoàn công tác đã đến thăm mô hình trồng sâm bố chính của anh Phạm Minh Tú. Theo anh Tú,  quy trình trồng sâm kéo dài khoảng 9 tháng, sâm có lượng dinh dưỡng cao và sản lượng trồng tại điạ phương sâm đạt yêu cầu. Với diện tích 3 ha, anh Tú đầu tư 20 triệu đồng/vụ, mỗi kg ước tính 150 - 350 ngàn đồng tuy theo kích thước, trung bình khoảng 70 triệu đồng/3 ha.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá cao sự học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của các hộ nông dân, đồng thời động viên các hội viên nông dân tiếp tục duy trì và phát triển mô hình, mạnh dạn đầu tư để sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân huyện A Lưới, các cơ sở Hội tiếp tục chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân vào Hội; phối hợp với các ban, ngành liên quan để hỗ trợ mô hình, đưa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng được lan rộng; chú trọng phối hợp với các ban, ngành hướng dẫn hội viên nông dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của địa phương; tăng cường phối hợp với các ban, ngành, địa phương liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, sản phẩm của nông dân lên sàn thương mại điện tử; bảo tồn và đưa sản phẩm ra thị trường. Tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên về giảm nghèo bền vững; nâng cao ý thức, khơi dậy ý chí thoát nghèo của người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hỗ trợ địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cụ thể hoá Nghị quyết số 11/NQ-TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 121/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Huyện A Lưới có tỷ lệ hộ nghèo 49,98%, cao nhất cả tỉnh Thừa Thiên Huế, phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo A Lưới mỗi năm giảm 7-9%; Đến cuối năm 2025, huyện A Lưới thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Cùng các ban ngành để tích cực tuyên truyền, triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Đ/c Nguyễn Chí Quang - TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cùng đoàn công tác thăm Tổ Hợp tác Dệt zèng tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới

MỘT SỐ SẢN PHẨM DỆT ZÈNG

 

 

Văn Lâm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.402.671
Truy cập hiện tại 202