Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong cả nước đang háo hức đón chờ sự kiện này để trực tiếp bày tỏ mong muốn của mình với Thủ tướng Chính Phủ, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Là một trong 3 nông dân, hợp tác xã ở Sơn La vinh dự được trực tiếp đối thoại với Thủ tướng Chính Phủ tại Hội nghị, anh Trần Như Kiên, Giám đốc Hợp tác xã Phương Nam, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu rất vui mừng phấn khởi và háo hức mong chờ sự kiện này.
Được thành lập năm 2016, hiện Hợp tác xã Phương Nam có 10 thành viên với diện tích trồng trên 80 ha nhãn, trong đó có 60 ha đã được cấp mã số vùng trồng và chủ yếu là nhãn chín muộn. Năm 2018, lần đầu tiên hợp tác xã xuất khẩu thành công 1,5 tấn nhãn sang thị trường Mỹ. Với sản lượng trung bình đạt hơn 1.000 tấn/năm, nhãn của hợp tác xã được bán chủ yếu tại các chợ đầu mối và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang thị trường này hàng năm đều gặp khó khăn, nhất là các thủ tục thông quan, có những thời điểm phải mất đến 3 ngày mới hoàn thành thủ tục xuất khẩu, do vậy ảnh hưởng đến chất lượng nhãn.
Mong muốn Thủ tướng có những chính sách sớm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc là một trong những kiến nghị mà anh Trần Như Kiên trực tiếp gửi tới Thủ tướng trong Hội nghị đối thoại tới: "Chúng tôi đặt niềm tin vào thị trường Trung Quốc nhưng vì từ năm 2020 đến giờ dịch Covid kéo dài cho nên thông quan, kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc rất chặt chẽ, lượng hàng đi sang đó rất khó, đầu ra rất chật vật. Nếu như thông quan được thị trường Trung Quốc thì sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã nói riêng và tất cả nông dân sản xuất nông nghiệp của cả nước sẽ có cơ hội mở. Vì Trung Quốc gần, sang đó trái cây vẫn còn tươi".
Anh Trần Như Kiên, Giám đốc Hợp tác xã Phương Nam cho biết thêm: Một trong những khó khăn hiện nay, đó là khi chính sách của phía Trung Quốc có thay đổi, có dự báo nhưng doanh nghiệp của Việt Nam chưa cập nhật kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm, kiểm dịch của phía bạn nên hàng hóa thông quan vào Trung Quốc gặp nhiều khó khăn vì truy xuất nguồn gốc. Do đó, có nhiều lô hàng sang phía bạn bị trả lại. Đây là một khó khăn cần được tháo gỡ.
Cùng với những khó khăn trên trong xuất khẩu nông sản, anh Trần Như Kiên chia sẻ, hiện sản phẩm nhãn chín muộn của hợp tác xã đang xuất khẩu sang thị trường Mỹ và hướng tới các thị trường khó tính như EU. Tuy nhiên hiện nay nông sản của nước ta đưa sang thị trường Mỹ buộc phải chiếu xạ và phải chiếu xạ tại TP.HCM. Do vậy, khi quả nhãn của tỉnh Sơn La đưa vào TP.HCM chiếu xạ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng do sốc nhiệt.
Để việc xuất khẩu thuận lợi hơn, nhất là vào các thị trường khó tính như EU, anh Trần Như Kiên kiến nghị với Thủ tướng Chính Phủ: "Cả nước hiện nay chỉ trong miền Nam mới có cơ sở chiếu xạ trái cây, cho nên khi hoa quả từ Sơn La vận chuyển vào đó cũng đã mất 2 ngày rồi cho nên chất lượng hoa quả sẽ bị kém đi, vì vậy chúng tôi đề nghị các bộ, ngành, Thủ tướng xem xét cho xây dựng một nhà máy chiếu xạ ở các tỉnh phía Bắc để thời gian, vận chuyển xuất khẩu hoa quả nhanh hơn, giữ được chất lượng quả tươi đẹp hơn, tốt hơn".
Theo Ban Tổ chức, tính đến trước ngày 23/5 đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Qua tổng hợp và báo cáo, nội dung các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị tới Thủ tướng lần này tập trung vào một số nội dung chính như: Tình hình giá cả vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp; các vấn đề liên quan đến những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai và nhiều ý kiến kiến nghị, cần sớm sửa đổi Luật Đất đai; vấn đề về thúc đẩy liên kết, hợp tác, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp; vấn đề khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp; tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa nông thôn; đặc biệt là các chính sách, chiến lược liên quan đến việc phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, căn cơ./.