Phong trào trọng tâm và xuyên suốt
Hằng năm, HND tỉnh đều triển khai các giải pháp, phong trào, ưu tiên các nguồn lực, dự án (DA) của tỉnh và Trung ương giao nhằm hỗ trợ sinh kế cho nông dân; thúc đẩy các mô hình nông dân SXKD giỏi các cấp; hướng dẫn triển khai, hiện thực hóa các tiêu chí nông dân SXKD giỏi theo từng cấp; chỉ đạo tập trung hướng về cơ sở, tăng cường cho cơ sở; thường xuyên kiểm tra các hoạt động của phong trào để đánh giá, rút kinh nghiệm; kịp thời đề ra biện pháp chỉ đạo phong trào một cách sát thực, hiệu quả.
Bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp, đã có 60 mô hình sản xuất nông, ngư nghiệp được HND tỉnh triển khai với 772 hộ nông dân tham gia, kinh phí thực hiện hỗ trợ lên đến 1,847 tỷ đồng. Riêng năm 2022, đã dành số kinh phí 571 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng thêm 16 mô hình trên địa bàn toàn tỉnh. Các cấp hội đẩy mạnh các hoạt động cung cấp vốn cho hội viên nông dân phục vụ sản xuất thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay 33,3 tỷ đồng với 85 DA và 665 hộ vay vốn; tín chấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội đưa vốn đến hội viên nông dân với tổng dư nợ đạt 986,435 tỷ đồng cho 25.172 hộ vay. Dư nợ qua Ngân hàng NN&PTNT đạt 207,498 tỷ đồng cho 2.491 hộ vay; dư nợ qua Liên Việt Post Bank đạt 52,186 tỷ đồng cho 1.607 hộ vay. 33 Câu lạc bộ nông dân SXKD giỏi được thành lập nhằm giúp nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hướng đến xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ, kết nối đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Xuất hiện nhiều gương điển hình mới
Các mô hình SXKD giỏi ngày càng phát triển với hiệu quả kinh tế cao, nhiều chuỗi sản phẩm nông sản giá trị cao được hình thành, tạo sự lan tỏa mạnh. Nhiều nông dân đã trở thành chủ doanh nghiệp, chủ các cơ sở SXKD dịch vụ, các chủ gia trại, trang trại có thu nhập cao, đạt từ 1 tỷ - 2 tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như hộ ông Nguyễn Năm xã Quảng Ngạn; ông Trần Quân ở Thuận An; ông Đỗ Sanh ở xã Điền Lộc; ông Nguyễn Văn Tùy ở xã Lộc Bổn; ông Trương Công Lời ở xã Vinh Xuân… Các hộ nông dân SXKD giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 35.190 lao động; giúp đỡ hàng trăm hộ nghèo; giúp cung cấp giống, vật tư, tiền vốn và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.
Nhiều hội viên nhạy bén với nhu cầu của thị trường, tìm tòi những kỹ thuật tiến bộ, năng động sáng tạo trong SXKD, tiếp cận kịp thời với các dịch vụ hỗ trợ. Những mô hình tiêu biểu là trồng cà gai leo ở xã Lộc Hòa, trồng Sen cao sản ở xã Phú Mỹ, nuôi cá lóc đầu nhím ở xã Vinh Mỹ, nuôi ong ruồi ở huyện Nam Đông, nuôi hàu sữa ở thị trấn Lăng Cô, trồng ổi ở phường Hương Văn, trồng hoa và rau ở thị trấn A Lưới, trồng hoa Atiso ở các huyện Phú Vang, Phong Điền...
Góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới
Từ kết quả của phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã xuất hiện các điểm sáng trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM). Cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo 19 tiêu chí xây dựng NTM. Giai đoạn 2016-2021, hội viên nông dân toàn tỉnh đóng góp hơn 75,1 tỷ đồng, 180.120 ngày công, sửa chữa khoảng 2.941km đường giao thông nông thôn; đào, đắp nạo vét kênh mương hơn 304.390m3; kiên cố hóa và sửa chữa 9.360km kênh, mương nội đồng; vận động hội viên tự nguyện hiến hơn 840.760m2 đất để xây dựng đường thôn, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn, chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, nhà cửa.
Các cấp hội đã chủ động vận động hội viên nông dân đóng góp, xây dựng được 33 ngôi nhà cho các hộ nghèo với kinh phí thực hiện 861 triệu đồng. Giúp nông dân xóa 131 nhà tạm với kinh phí gần 1,2 tỷ đồng. Phong trào có sức lan tỏa mạnh trong nông dân, đã trợ giúp khó khăn đột xuất cho 1.814 lượt người với kinh phí hỗ trợ 1,924 tỷ đồng và các hình thức giúp đỡ khác như hỗ trợ cây, con giống, tập huấn cho người nghèo 178 lớp với số lượng tham gia 6.616 lượt người; số hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo được dạy nghề là 811 lượt người. Qua đó đóng góp vào kết quả chung của tỉnh với 62/97 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM (đã có 60 xã có quyết định công nhận), đạt tỷ lệ 63,9%, vượt 4,9% so với kế hoạch (59%).
Bên cạnh những thuận lợi, những kết quả đạt được của phong trào thì những khó khăn vẫn luôn tiềm ẩn, ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất của nông dân, như biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết như bão, lũ, nắng hạn, dịch COVID-19... Quy mô sản xuất của nông dân vẫn còn nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa cao; chất lượng hàng hóa, mẫu mã bao bì đa phần chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; tính cạnh tranh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn thấp; nông dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn khó khăn.
Cây Atiso đỏ ở huyện Phong Điền cho thu nhập gấp nhiều lần cây trồng khác.
Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu với sức lan tỏa hơn nữa; hướng dẫn nông dân đổi mới phương thức sản xuất; liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, có mẫu mã bao bì đẹp, có nhãn hiệu riêng, nhãn hiệu tập thể có chỉ dẫn địa lý. Hội cũng sẽ tăng cường vận động nông dân SXKD giỏi giúp đỡ trực tiếp các hộ nông dân nghèo thiếu vốn, kiến thức, thiếu giống cây trồng, vật nuôi…, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền nông - lâm - ngư nghiệp và kinh tế nông thôn của tỉnh, đóng góp tích cực vào những thành tựu của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.