Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Điểm tựa từ câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Ngày cập nhật 15/06/2023
Nông dân Quảng Phú (Quảng Điền) nuôi cá diêu hồng

       Câu lạc bộ (CLB) nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi ở cơ sở từng bước nhân rộng, gắn với xây dựng mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho hộ gia đình.

 

 

 

Thông qua việc thành lập các CLB nông dân SXKD giỏi, nhiều hộ nông dân được hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ. Tham gia các CLB, các mô hình kinh tế, hội viên nông dân được hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến, được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Điển hình, khi tham gia các mô hình trồng sen lấy hạt tại thị trấn Phong Điền (Phong Điền), phường An Hòa (TP. Huế), xã Vinh Thanh (Phú Vang), xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy), hội viên nông dân được hỗ trợ cây giống hoặc phân bón. Hội viên mạnh dạn chuyển đổi những khu vực, diện tích đất trồng lúa thường xuyên bị ngập nước, kém hiệu quả, các vùng thấp trũng, bàu, ao hồ... để chuyển sang trồng sen lấy hạt. Nông dân biết áp dụng khoa học, kỹ thuật để hạn chế sâu bệnh hại cho sen…

Qua thực tế hiện nay, diện tích trồng sen trên địa bàn tỉnh tăng qua hàng năm, số hộ tham gia cũng tăng lên. Kết thúc một vụ sen, sau khi trừ chi phí, các hộ thu về lợi nhuận cao gấp ba lần so với trồng lúa. Sản phẩm hạt sen được cung cấp, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, góp phần tích cực quảng bá nhãn hiệu tập thể Sen Huế trên thị trường.

Mô hình trồng hành tím tại xã Điền Môn (Phong Điền) là mô hình mới (trước đây bà con quen trồng cây ném) tại địa phương này. Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ giống cây, các hộ tham gia mô hình nhiệt tình hưởng ứng, nhiều hộ hội viên còn mạnh dạn đầu tư hệ thống phun sương tự động để chăm sóc cây giống nhằm hạn chế sức lao động và tăng năng suất cây trồng. Qua hạch toán hiệu quả kinh tế trong sản xuất, lãi ước đạt bình quân 300 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với cây ném, dưa hấu từng là hai loại cây chủ lực của xã Điền Môn. Mô hình giải quyết việc làm cho 40 lao động/ha...

Mô hình bưởi da xanh tại xã Quảng Phú (Quảng Điền) được hỗ trợ 1.000 cây giống cho 30 hộ tham gia trồng trên diện tích 2ha. Mô hình phù hợp với chủ trương xây dựng vườn mẫu, một số hộ tham gia vào vùng quy hoạch trồng cây ăn quả, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.

Mô hình trồng nấm rơm tại xã Phú Lương, nông dân được hỗ trợ kinh phí mua màn che nhà nấm. 10 hộ tham gia mô hình trồng nấm được hỗ trợ, đảm bảo điều kiện trồng, chăm sóc nấm nên cho hiệu quả cao. Do đặc thù của cây nấm rơm sau khi thu hoạch phải tiêu thụ trong ngày nên khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Các mô hình được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ như cung cấp lợn giống sọc dưa, thức ăn chăn nuôi cho nông dân bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc (Phú Lộc) và xã Phong Xuân (Phong Điền), xã A Ngo (A Lưới), xã Hương Lộc (Nam Đông); thức ăn cho mô hình nuôi bò vỗ béo tại xã Bình Tiến (TX. Hương Trà) và giống gà 3F Việt cho nông dân phường Phú Bài (TX. Hương Thủy) cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, có giá trị trên thị trường.

Đàn lợn lai tại bản Phúc Lộc đang phát triển tốt, tạo tiền đề phát triển đàn lợn, góp phần giảm nghèo bền vững cho hội viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mô hình chăn nuôi lợn tại xã A Ngo với 10 hộ tham gia đang phát triển tốt, với bình quân mỗi hộ nuôi từ 6 đến 30 con. Sau một năm, các hộ đã có 3 lứa xuất bán với lãi bình quân mỗi lứa từ 10 –15 triệu đồng/hộ. Điển hình như các hộ Trần Văn Lưu, A Liêng Thị  Hà, Hồ Thị Lệ Hoàn... Các hộ trong nhóm được hỗ trợ chăn nuôi luôn được thông tin giá cả thị trường về heo thịt và heo giống, có mối liên hệ giữa các nhà cung ứng giống và các thương lái thu mua lợn thịt nên sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi.

Các mô hình hỗ trợ thức ăn nuôi thủy sản xen ghép, cá lồng tại xã Vinh Hưng (Phú Lộc), phường Thuận An (TP. Huế), xã Quảng Lợi (Quảng Điền)… mang lại hiệu quả thiết thực. Quy mô đầu tư cho nuôi thủy sản khá lớn nên việc hỗ trợ thức ăn cho mô hình mang tính động viên cho các hội viên tích cực sản xuất, mang lại hiệu quả hơn. Bình quân mỗi hộ thu lãi từ 180 – 250 triệu đồng/vụ nuôi trồng thủy sản, giải quyết việc làm cho nhiều lao động…

Theo đánh giá của các địa phương, việc thành lập CLB nông dân SXKD giỏi không những mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất mà còn mang tính xã hội, mang lại sân chơi bổ ích cho các hội viên nông dân. Từ đó, tạo điều kiện cho hội viên giao lưu học hỏi những cách làm hay, những ý tưởng sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, kết nối bao tiêu sản phẩm dễ dàng hơn.

Theo kế hoạch năm 2022, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng 12 CLB các cấp, nhưng với tinh thần tự nguyện và hợp tác cao của các hội viên nông dân SXKD giỏi, đến cuối năm đã thành lập được 18 CLB. Trong đó, 1 CLB cấp tỉnh, 2 CLB cấp huyện và 15 CLB cấp cơ sở. Tổng số thành viên nông dân SXKD giỏi tham gia CLB là 389 thành viên.

Cùng với việc xây dựng CLB, năm qua, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ nhân rộng 17 mô hình sản xuất nông nghiệp cho 210 hộ tham gia với tổng kinh phí thực hiện trên 1,286 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ là 643 triệu đồng, đối ứng của các hộ tham gia trên 643 triệu đồng.

Với việc thành lập các CLB nông dân SXKD giỏi cho thấy, các mô hình sản xuất đều phát huy hiệu quả kinh tế, hội viên đoàn kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2023, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục thành lập các CLB, hỗ trợ đầu tư nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, phấn đấu các mô hình hỗ trợ đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hội viên nông dân.

 

Quang Hòa
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.398.444
Truy cập hiện tại 13