Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội Nông dân Việt Nam
Nguyễn Chí Thanh - Đại tướng của nông dân
Ngày cập nhật 30/06/2023

       Được Đảng, Bác Hồ và Nhân dân tin tưởng giao nhiều trọng trách, trên mọi cương vị công tác, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn đặt lợi ích của cách mạng, của dân tộc lên trên hết, đem hết tài năng, trí tuệ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tận tâm, tận lực cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân.

 

Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, Nguyễn Vịnh được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương và được phân công làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Tại đây, Nguyễn Vịnh lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người đặt cho tên mới là Nguyễn Chí Thanh. Cũng từ đây, cái tên Nguyễn Chí Thanh đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân tại Tân Trào được tổ chức. Đại hội đã nhất trí quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và 13 ủy viên, trong đó có Nguyễn Chí Thanh. Ngày 31/8/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 36/SL phong hàm cấp tướng cho 16 sĩ quan, Nguyễn Chí Thanh được phong quân hàm cấp Đại tướng. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, khẳng định vai trò của Nguyễn Chí Thanh đối với phong trào cách mạng ở miền Trung và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng.

Trước những yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng hậu phương lớn và công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp trong bối cảnh các HTX nông nghiệp ở miền Bắc gặp nhiều khó khăn, năm 1961, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng điều Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương, chịu trách nhiệm lãnh, chỉ đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước lúc bấy giờ với yêu cầu củng cố và phát triển phong trào hợp tác hóa nông thôn.

Khi được phân công sang một lĩnh vực mới, với tư duy nhạy bén, năng động, Đại tướng đã xông xáo “bám đội, lội đồng” cùng người dân tát nước, cấy lúa, khảo sát, tìm hiểu các mô hình sản xuất, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nguyện vọng của người dân. Chỉ một thời gian ngắn, Đại tướng đã phát hiện ra những điểm yếu, điểm thiếu của ngành nông nghiệp cũng như cơ chế quản lý của HTX; đồng thời đề ra nhiều giải pháp cho nông thôn, nông dân giải phóng sức sản xuất.

Trong những năm đầu thập niên 60, thế kỷ XX, không mấy người Việt Nam lại không biết phong trào “Phá xiềng ba sào”, “Đuổi kịp mức sống trung nông”, “Gió Đại Phong”, “Làm thủy lợi hai năm”... Nói là phong trào, nhưng thực chất đó là những đột phá mà Đại tướng đề ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp. Những đột phá đó trở thành một sự kiện trong đời sống chính trị của nông dân miền Bắc, tạo phong trào thi đua lớn trong nông dân, đem lại những thành tựu to lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 15/4/1961, Báo Nhân dân đăng bài của Bác Hồ (bút danh T.L) về Phong trào Đại Phong: "Từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu những ưu điểm và tiến bộ của HTX Đại Phong, đến nay chưa đầy hai tháng, mà khắp cả miền Bắc đã có ngót 1.000 HTX nhận thi đua học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong. Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của đồng bào nông dân ta". Bác Hồ chỉ đạo: "Phải học một cách sáng tạo".

Trăn trở thường xuyên nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đối với công tác nông thôn và nông nghiệp: Chúng ta ngồi trên Trung ương ban hành chính sách, liệu các chính sách ấy có hợp lòng dân, có đáp ứng nhu cầu thực tế, có phù hợp xu thế thời đại? Tại sao có những chủ trương của Trung ương nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả rõ rệt, trong khi không ít chính sách khác dừng lại ở khẩu hiệu?

Để trả lời câu hỏi này, Đại tướng đã thực hiện nhiều chuyến đi thâm nhập thực tế để hiểu thật sâu về lĩnh vực mà mình phụ trách. Trong những chuyến đi ngược Tây Bắc, đến đâu ông cũng về bản làng thăm hỏi, động viên đồng bào; nghiên cứu tỉ mỉ, tìm hiểu từng vấn đề và sâu chuỗi các mặt trong một chỉnh thể sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Đại tướng đã chỉ ra, làm nông nghiệp không chỉ là “lúa, phân, cần, giống” mà còn phải tính đến phát triển hoa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi, cải tiến công cụ sản xuất, phương tiện chế biến, bảo vệ đất đồi… Những thói quen rất xấu trong lãnh đạo công tác nông nghiệp ở một số nơi: “Nói quá nhiều đến những nguyên tắc, phương châm chung chung, có tính chất “thiên kinh địa nghĩa” mà ít đi vào cụ thể”. Đại tướng đã có bài báo phê bình một “huyện ủy 5 không” gây xôn xao trong công tác địa phương lúc bấy giờ.

Đồng thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rất chú ý tới công tác phân phối sản phẩm, nâng cao đời sống nông dân. Ông  cho rằng, sản xuất và phân phối là những khâu quan trọng và có liên quan mật thiết đến nhau. Nhiều địa phương thời bấy giờ chủ trương “vắng chợ, đông đồng” thì Đại tướng chủ trương “chợ nông thôn nó cần phải có, đó là thực tế khách quan kinh tế của ta”, “kinh tế phụ gia đình có tác dụng hỗ trợ”…

Đại tướng sớm nhận ra, để khắc phục sự trì trệ trong các HTX nông nghiệp và công tác nông thôn, không chỉ quan tâm nâng cao đời sống của nông dân mà còn phải chú ý đến đời sống văn hóa, tinh thần của nông dân. Ông cho rằng: “Nâng cao trình độ văn hóa cho nông dân là đem lại quyền lợi thiết thực cho nông dân”, nhằm “xây dựng con người mới, xây dựng tình cảm mới, tư tưởng mới, đạo đức mới cho nông dân ta” và “không có văn hóa thì làm sao hiểu biết được khoa học, kỹ thuật và nâng cao năng suất”... Đây là quan điểm để Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 70-NQ/TW ngày 19/2/1963 về cuộc vận động cải tiến quản lý HTX, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với khoảng hơn 3 năm trên cương vị Trưởng ban Công tác nông thôn có thể khẳng định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới mà Đảng và Nhân dân giao phó. Đại tướng có những cống hiến quan trọng, tạo nên “luồng gió mới” trên ruộng đồng Việt Nam trong những năm tháng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Năm 1964, Đại tướng đã viết cuốn đề cương “Chiến lược phát triển nông nghiệp sau giải phóng”. Năm 1967, trước khi nhận nhiệm vụ vào miền Nam, ông viết lại, bổ sung cho đề cương. Điều đó chứng tỏ ông rất quan tâm đến nông nghiệp, thể hiện tầm nhìn của một vị Đại tướng toàn tài. Trong chiến tranh, vấn đề quân lương có vai trò quan trọng, quyết định đến trận đánh của bộ đội là điều đương nhiên, nhưng với tầm nhìn vượt thời gian, Đại tướng đã tính đến đánh Mỹ xong phải phát triển nông nghiệp thế nào, thúc đẩy sản xuất ra sao, tập trung vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau giải phóng như thế nào để làm kế phát triển bền vững của đất nước.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra đồng cấy lúa với bà con xã viên HTX Chiến Thắng, xã Lý Ninh, tỉnh Quảng Bình, tháng 1/1962. Ảnh: Tư Liệu 

Khi ông đột ngột qua đời ở tuổi 53, đúng lúc đất nước đang gặp nhiều thử thách nhất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đau đớn thốt lên: “Chúng ta mất một con đại bàng trên trời cao, có tầm nhìn xa trông rộng, lại thấy được cái rất cụ thể trên mặt đất”. Nhưng những gì Đại tướng cống hiến, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải tạo XHCN ở miền Bắc thành công và đưa cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến thắng lợi cuối cùng sẽ mãi mãi còn trong lòng mỗi chúng ta.

Nhân dân gọi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là “Đại tướng của nông dân”, Bác Hồ trìu mến gọi là “Đại tướng nông dân”. Người dân Đại Phong thờ Nguyễn Chí Thanh như một Thành Hoàng làng với ý nghĩa là người có công với dân làng.

Những tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn mang giá trị cho đến hôm nay.

Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch BCHTW Hội Nông dân Việt Nam
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.736.335
Truy cập hiện tại 178